Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban đối ngoại của Quốc hội khóa 13, cho biết trước thời điểm tháng 4/2012, mức khoán xe công với các đại biểu Quốc hội trong diện được đưa đón là 4 triệu đồng một tháng. Mức này sau đó được nâng lên 10 triệu. Hiện chỉ có 4-5 đại biểu đăng ký nhận khoán. Theo quy định, người nhận khoán xe công sẽ không được hưởng chế độ xe đưa đón hàng ngày, trường hợp đi công tác xa phải đăng ký trước để Văn phòng Quốc hội bố trí xe.
Ông Cương lý giải một trong những nguyên nhân quan trọng khiến các đại biểu ít nhận khoán là sử dụng xe công thuận tiện hơn trong đi đến các công sở so với phương tiện loại khác. “Tôi đi xe cá nhân đến các bộ ngành, thứ nhất phải xuống trình bày với bảo vệ mình là ai, thứ hai rất khó tìm chỗ đỗ xe, dẫn đến có thể muộn họp”, ông Cương nói.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, là một trong số ít đại biểu chuyên trách từng nhận khoán xe công, chia sẻ: “Trước đây, tôi công tác ở Ủy ban các vấn đề xã hội, có thể sử dụng khoán xe công được. Tuy nhiên gần đây nhận công tác mới ở Văn phòng Quốc hội, thường xuyên phải đi lại làm việc với các cơ quan liên quan trên địa bàn Hà Nội, mức khoán vừa không đủ chi phí vừa bất tiện nên đã đăng ký sử dụng xe công trở lại”.
Ông Hùng nhìn nhận, 10 triệu đồng một tháng là khoản tiền đáng kể đối với một người lao động bình thường. Tuy nhiên, việc ít đại biểu nhận khoán có thể do so với chi phí thực tế trong bối cảnh cụ thể đi lại ở đô thị lớn như Hà Nội, mức khoán này ít nhiều chưa mang tính khuyến khích.
Theo ông Hùng, trước việc chủ trương nêu trên ít được hưởng ứng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp. “Lợi ích của việc khoán xe công rất rõ ràng. Tôi ví dụ, cơ quan chuyên môn đã tính toán mức chi phí một ôtô hiện nay gồm lương lái xe, xăng dầu, sửa chữa, thay thế phụ tùng, khấu hao xe... là 32 triệu đồng một tháng, nghĩa là hơn 300 triệu đồng một năm. Nếu khoán mức 10 triệu đồng thì mỗi năm cũng chỉ mất khoảng 120 triệu đồng”, ông Hùng nói.
Ông Hùng đề xuất chia 3 mức khoán. Đầu tiên là khoán đưa đón hàng ngày, thứ hai là khoán đưa đón hàng ngày và đi việc công trong nội thành Hà Nội và cuối cùng là khoán hoàn toàn, đại biểu sẽ không còn sử dụng xe công trong bất cứ trường hợp nào. Việc phân chia như vậy sẽ giúp mức khoán linh hoạt, có tính chất động viên hơn với các đối tượng được sử dụng xe công. Số tiền cụ thể từng mức khoán do cơ quan chuyên môn nghiên cứu, nhưng không nên cố định mà thay đổi theo chỉ số giá tiêu dùng.
“Hiện nay nhiều đại biểu có xe cá nhân, nhưng đi xe biển trắng thì bất tiện trong việc ra vào công sở, vậy có thể nghiên cứu hình thức phù hiệu cấp cho xe của những người nhận khoán xe công để xe của họ được giải quyết ra vào công sở nhanh chóng hơn”, ông Hùng đề xuất.
Mức khoán xe công 10 triệu đồng một tháng cho các đại biểu Quốc hội chuyên trách hiện quy định tại nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về một số chế độ chi tiêu bảo đảm hoạt động của Quốc hội. Tại Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016, Quốc hội cũng quy định “từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh”.
Võ Văn Thành