-
16h30
Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay để thảo luận tại hội trường về việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 - 2016.
Trong phiên thảo luận buổi sáng, Quốc hội đã nghe báo cáo giám sát do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày; tiếp đó 15 đại biểu đăng đàn, một người nêu ý kiến tranh luận. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà đã tham gia giải trình vấn đề đại biểu quan tâm.
Phiên làm việc buổi chiều kết thúc lúc 16h57.
-
16h00
"Thế giới khó tìm ra loại bột nở dự án nào như ở Việt Nam"
Đề cập tới hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” của các dự án đầu tư, ông Nguyễn Anh Trí dẫn chứng dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình), dự kiến ban đầu là 72 tỷ đồng nhưng sau đó lên tới gần 2.600 tỷ.
Ông nhận xét, khi trả lời về những dự án chậm tiến độ, đội vốn, cán bộ thường dùng “thì hiện tại tiếp diễn kéo dài”, ví dụ “chúng tôi đang thúc đẩy tiến độ…” nhưng không biết tới bao giờ mới xong.
“Thế giới khó tìm ra loại bột nở nào làm nở kinh phí đầu tư lúc đầu chỉ là con chuột nhắt, sau là con voi, mà lại là voi ma mút như vậy. Việt Nam lại có không ít những dự án tương tự, toàn là trăm tỷ, nghìn tỷ cả. Tôi lo lắng không biết Chính phủ lấy kinh phí ở đâu bù vào?”, ông Trí chia sẻ sự day dứt.
Đại biểu Hà Nội nói thêm, kinh tế Việt Nam khởi sắc nhưng thực tế thu không đủ bù chi, bội chi nhiều năm, tình hình chung còn nhiều khó khăn, trong đó nhiều gia đình 5 thành viên phải ăn những bữa cơm 15.000 đồng thì "vẫn có những dự án lãng phí tới cả nghìn tỷ đồng".
"Chính phủ cần xem thật hết, thật thấu vấn đề này", ông Trí nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí
Bấm nút tranh luận, ông Bùi Văn Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng, không hẳn các dự án điều chỉnh vốn đầu tư là "có mờ ám".
Nói rõ hơn về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình), ông Phương cho hay, dự án này bắt đầu từ năm 2011 với mục tiêu nạo vét sông phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, nhưng do dòng sông chạy qua lõi di sản thế giới Tràng An và Ninh Bình là vùng đất du lịch nên dự án được điều chỉnh lại so với ban đầu. Với 4 mục tiêu sau điều chỉnh, gồm nhằm đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp, tôn tạo cố đô Hoa Lư, phục vụ giao thông thuỷ và phát triển du lịch Ninh Bình, nên số vốn làm dự án tăng từ 72 tỷ đồng lên gần 2.600 tỷ.
Tuy nhiên, vốn Nhà nước bỏ ra làm dự án này chỉ hơn 1.400 tỷ, số còn lại huy động từ nguồn xã hội hoá.
"Với dự án có ý nghĩa lớn với sự phát triển của tỉnh như vậy thì việc điều chỉnh đầu tư là hợp lý", ông Phương nói.
Đại biểu Bùi Văn Phương
Cũng tranh luận về nội dung trên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói dự án đầu tư mà đội vốn tới 36 lần thì "có nghĩa là không hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực, làm gánh nặng cho nền kinh tế".
Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra dự án này, "nếu có hiệu quả thì khen thưởng, còn sai phạm thì xử lý, để cử tri thấy minh bạch, hiệu quả, tỉnh cũng đỡ phải ý kiến, giải trình".
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Anh Trí cho hay, bản thân muốn nhấn mạnh tới hiện tượng dự án đầu tư "đầu chuột đuôi voi", khi xin dự án thì "chỉ xin nhỏ nhỏ, bé bé, sau thì nở dần, nở dần".
"Quốc hội hàng năm thông qua ngân sách chi tiêu rồi thì lấy tiền đâu ra bù vào?", ông nêu câu hỏi.
Về dự án nạo vét Sào Khê, ông Trí cho rằng, 1.400 tỷ đồng của Nhà nước cũng là lớn, "tỉnh nên xin làm một dự án khác, hơn là làm một dự án mà nợ quá nhiều".
Nguyên giám đốc Viện huyết học truyền máu Trung ương chia sẻ, "người dân ở vùng núi phía Bắc, phía Tây Nam đời sống còn rất khó khăn, tới nỗi không có cơm ăn, họ phải di dân; nước ta cũng đang có hàng nghìn người mang gen bệnh và chỉ cần 1.000 tỷ đồng thôi sẽ cải thiện được giống nòi, nhưng chúng tôi không dám xin và xin cũng không được".
Theo báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước, có tình trạng dự án điều chỉnh giá trị lớn trong quá trình đầu tư, điển hình là dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng.
-
15h30
Doanh nghiệp lớn được "định giá bằng một căn nhà"?
Tranh luận với Bộ trưởng Giao thông về thông tin doanh nghiệp trong ngành được cổ phần hoá đều đang hoạt động tốt, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban các vấn đề xã hội, nhắc lại vấn đề ông đã nêu ra tại kỳ họp thứ 3 (tháng 7/2017) nhưng đến nay chưa được giải quyết triệt để. Đó là việc cổ phần hoá một tổng công ty lớn của ngành giao thông, với rất nhiều đơn vị thành viên cũng như tài sản Nhà nước, nhưng chỉ được định giá 327 tỷ đồng, "nghĩa là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội".
Theo ông Nhưỡng, sau khi công dân có đơn thư tố cáo sự việc trên, đến nay kết luận giải quyết tố cáo “làm người ta rất bất bình”.
Trường hợp thứ hai được đại biểu dẫn chứng là việc cổ phần hoá một doanh nghiệp lớn khác trong ngành giao thông, khiến "cử tri đang làm ở đó không biết công ty được cổ phần hoá lúc nào, thực tế sau cổ phần hoá, doanh nghiệp phải thuê lại tài sản của chính công ty đã được cổ phần hoá".
“Tôi kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xem xét lại việc cổ phần hoá hai đơn vị trên”, ông Nhưỡng nói.
-
14h55
"Hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi"
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể dành 10 phút giải trình trước Quốc hội đề cập tới vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông.
Ông nhấn mạnh chủ trương cổ phần hoá là "đúng đắn, buộc phải thực hiện và nếu thành công sẽ đem lại hiệu quả cao".
Theo ông, hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước thuộc ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi, năng lực tài chính tốt hơn. Theo thống kê, giai đoạn 2011 – 2016, 18 tổng công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần ghi nhận doanh thu tăng 15%, lãi sau thuế tăng 194% (bình quân mỗi năm tăng trên 40%); thu nhập người lao động tăng 32% trong 4 năm.
Giai đoạn này có 137 doanh nghiệp ngành giao thông được cổ phần hoá, vượt 67 đơn vị so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Các doanh nghiệp này khi niêm yết và bán cổ phần lần đầu ra công chúng đều được giá cao, thu về hơn 2.700 tỷ đồng, tăng 600 tỷ so với định giá ban đầu (2.153 tỷ đồng).
"Hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau cổ phần hoá đều hoạt động hiệu quả, ngày càng tốt hơn. Bộ Giao thông chủ trương những lĩnh vực nào tư nhân làm được, làm tốt thì cần đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn Nhà nước, chỉ giữ lại những lĩnh vực liên quan tới an ninh, quốc phòng", ông nói.
-
14h20
Tranh luận về "miễn tiền thuê đất 30 năm ở đặc khu"
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng chính sách đất đai đang áp dụng trong cổ phần hoá đã đi ngược nguyên lý cơ bản trong cơ chế thị trường. "Chúng ta không thành công trong quản lý đất đai nên mới xảy ra tình trạng hỗn loạn", ông nhận xét.
Dẫn chứng dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt vẫn đề xuất chính sách miễn tiền sử dụng đất cho các dự án có mục đích sử dụng đất từ 10 năm đến 30 năm, ông Cường nói, đây là chính sách đi ngược lại cung cầu về đất đai. "Ưu đãi này không giúp thu hút các nhà đầu tư có năng lực cạnh tranh mà ngược lại, có thể làm thất bại quá trình cạnh tranh lành mạnh ở các đặc khu", ông Cường chia sẻ.
Bấm nút tranh luận, bà Đỗ Thị Lan - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho hay, dự thảo Luật quy định 2 loại dự án được miễn tiền thuê đất 30 năm. Một là dự án đầu tư vào các lĩnh vực xã hội, giáo dục,... lĩnh vực ít thu hút đầu tư. Hai là dự án đáp ứng điều kiện đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh ưu tiên tại đặc khu, có nguồn vốn đầu tư từ 6.000 – 45.000 tỷ đồng; cam kết giải ngân trong 3-8 năm, gắn bó lâu dài với đặc khu.
"Dự thảo Luật quy định miễn tiền thuê đất không quá 30 năm đã xem xét tới hiệu quả sử dụng đất, so với ưu đãi vào các khu công nghiệp, dự thảo quy định thu hẹp hơn", bà Lan nói.
Quan điểm của bà Lan nhận được đồng tình từ đại biểu Bùi Văn Xuyền. Tuy nhiên, phát biểu sau đó, ông Lê Công Nhường lại phản đối. Ông Nhường cho rằng, thời gian miễn tiền thuê đất tới 30 năm ở đặc khu là quá dài. "Nếu doanh nghiệp đang kinh doanh mà phá sản, chúng ta lại miễn tới 30 năm thì tính như thế nào?", ông Nhường nghi ngại, đồng thời đề nghị khống chế tỷ lệ người nước ngoài sở hữu dự án liên quan tới đất đai ở đặc khu không quá 40% tổng số dự án trên địa bàn.
-
14h10
Lúng túng trong xác định "giá trị vô hình" của doanh nghiệp
Khẳng định đóng góp quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước song đại biểu Tô Văn Tám cho rằng, năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp này "không được như mong đợi"; tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ gần 1,3 triệu tỷ đồng lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng)...
Theo ông Tám, trong quá trình cổ phần hoá, việc xác định giá trị doanh nghiệp rất quan trọng, trong đó có cả tài sản hữu hình (đất đai, máy móc, nhà xưởng...) và tài sản vô hình (thương hiệu doanh nghiệp, bản quyền, uy tín). Nhưng, thời gian qua việc định giá tài sản vô hình còn lúng túng, cơ sở pháp lý chưa đầy đủ.
Từ thực tế trên, ông Tám kiến nghị Chính phủ đưa ra những giải pháp tạo hành lang pháp lý cho việc định giá tài sản vô hình, tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.