Tại phiên chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 6/6, câu chuyện về quản lý tiền ảo, trong đó có Bitcoin được nhiều đại biểu đề cập.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng trong xu hướng phát triển cách mạng công nghệ 4.0, đồng tiền ảo Bitcoin phải được coi là phương tiện thanh toán mới. Do đó thay vì cấm, nên nghiên cứu chính sách để tạo hành lang pháp lý quản lý Bitcoin.
Ngay sau khi đại biểu này tranh luận, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, "xu thế phát triển nhưng tới giờ phút này pháp luật Việt Nam chưa cho phép lưu hành tiền ảo".
Sau đó, trả lời đại biểu Hạ, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói thêm, tiền ảo là điểm tựa tài chính tiền tệ mới, không thể xem thường mà phải nghiên cứu. "Pháp luật thì chưa công nhận loại tiền này, song thực tế giao dịch mua bán với tư cách tài sản đang diễn ra. Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu kỹ kinh nghiệm thế giới xử lý ra sao để có đối sách phù hợp", ông nói.
Trước phần tranh luận của Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cũng đặt lo ngại về khả năng quản lý tiền ảo, đặc biệt trước hiện tượng lượng máy đào Bitcoin đang được nhập ồ ạt về Việt Nam. "Chính phủ có định hướng chính sách thế nào, giải pháp mạnh mẽ giải quyết thực trạng này?", ông chất vấn.
Trả lời, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, việc nhập máy đào Bitcoin hiện "tương đối sôi động", đã có 15.600 máy đào được nhập về Việt Nam, trong đó về TP HCM là 9.000 máy, Hà Nội 6.000 máy, còn lại là Đà Nẵng
Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị cấm nhập, tuy nhiên Chính phủ sẽ xem xét cơ sở pháp lý để quyết định.
Thông tin thêm, lãnh đạo Chính phủ cho biết, khi có thông tin liên quan tới việc người dân mua máy về đào Bitcoin hay vụ việc phức tạp sử dụng thẻ cào thanh toán trên mạng đánh bạc hoặc kinh doanh đa cấp tiền ảo...,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã có những chỉ đạo kịp thời.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo khác. Chỉ đạo này được đưa ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, gây rủi ro và mất trật tự xã hội.
Ngoài ra, Thủ tướng đã giao Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, các bộ liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án quản lý tiền ảo, nhằm đưa ra khung khổ quản lý tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành văn bản khẳng định, không coi Bitcoin là đồng tiền sử dụng ở Việt Nam.
Hồi tháng 4, hàng chục nhà đầu tư đã kéo đến trụ sở Công ty cổ phần Modern Tech tại Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM giăng băng rôn tố cáo công ty này chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng bằng hình thức kêu gọi rót vốn mua đồng tiền ảo Ifan, Pincoin (được trả lãi). Số tiền 15.000 tỷ đồng được giải thích là quy đổi từ 650 triệu USD ICO (huy động vốn) thành công từ iFan, Pincoin và một số đồng tiền ảo khác do Modern Tech đại diện.
Theo cộng đồng những người tẩy chay và tố cáo iFan và Pincoin, cách thức tham gia kênh đầu tư tiền ảo này na ná mô hình kinh doanh đa cấp. Công ty Modern Tech cam kết với nhà đầu tư mua tiền ảo iFan và Pincoin rằng khoản lợi nhuận thấp nhất 48% một tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng tại các sự kiện tổ chức hoành tráng năm 2017. Nếu mời được thành viên mới vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Nguyễn Hoài