Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) ngày 18/3 ra quyết định xử phạt hành chính 200.000 đồng với người đàn ông 47 tuổi (quê Hải Phòng) do sàm sỡ, ghì hôn nữ sinh 20 tuổi trong thang máy chung cư ở đường Lê Văn Lương vào tối 4/3.
Ông Phạm Tất Thắng (Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) cho rằng, đây là trường hợp điển hình thể hiện "khoảng trống pháp lý". Sự việc được dư luận quan tâm, hành vi của người đàn ông đáng lên án nhưng tiền phạt chỉ 200.000 đồng là quá thấp. Dù vậy, mức phạt lại "đúng quy định" vì nằm trong khung hình phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng, theo điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với lỗi "có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác".
"Thực tế này cho thấy một số quy định hiện hành chưa phản ánh hết thực tiễn cuộc sống và chưa đúng mức, chưa đủ sức răn đe với người vi phạm", ông Thắng nói.
Cùng quan điểm, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về xã hội Lê Thị Nguyệt nói, hành vi xâm phạm danh dự phụ nữ là đáng lên án nhưng mức phạt chưa tương xứng.
"Tôi được biết từ lúc xảy ra sự việc trên, nhiều cô gái e ngại khi phải vào thang máy một mình, thậm chí nhắc nhở nhau cẩn thận nếu trong thang có đàn ông bước vào. Như vậy là sự việc không những gây bức xúc mà còn làm xã hội mất ổn định", bà Nguyệt chia sẻ.
Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền cho rằng việc xác định hành vi của người đàn ông để áp dụng vào mức xử phạt là "chưa chuẩn". Ở trong thang máy chỉ có hai người, hành vi cố tình ôm hôn khi nữ sinh không đồng ý thì không phải là trêu ghẹo phụ nữ mà đã cấu thành hành vi dâm ô, quấy rối tình dục.
Vì vậy, theo ông Xuyền, cần phải xem xét lại Nghị định 167/2013/NĐ-CP vì "khi mô tả về hành vi không đầy đủ sẽ dẫn đến các mức phạt lỗi thời".
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá giáo dục Phạm Tất Thắng cũng đặt vấn đề xem xét sửa đổi Nghị định 167/2013/NĐ-CP để phù hợp thực tiễn ở hai khía cạnh: chi tiết hoá hành vi vi phạm được điều chỉnh bằng nghị định và phải tính toán mức phạt để đủ sức răn đe.
"Cũng đã đến lúc hành vi quấy rối tình dục cần phải được quan tâm và có quy định xử lý ở trong các văn bản quy phạm pháp luật", ông nói và cho rằng cần đánh giá thực tiễn các bất cập để hoàn thiện, bổ sung.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề về xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết, tổng kết 10 năm thực hiện chính sách pháp luật liên quan luật bạo lực gia đình, nhà chức trách nhận ra có một số quy định trong luật và nghị định hướng dẫn cần sửa đổi. Nguyên nhân do có những việc đánh đập trẻ em, xâm hại phụ nữ, bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực tình dục nhưng chưa được xem xét, điều chỉnh hết.
"Tôi cho rằng cần rà soát lại các quy định của pháp luật hiện hành, nếu thực tế quá bức xúc thì cần đề xuất sửa nghị định, văn bản nào đó để thực thi pháp luật hiệu quả hơn, đáp ứng được mong muốn của số đông công chúng", bà Nguyệt nói.
Bà cũng đề nghị chính quyền địa phương phải giải toả được tâm lý lo lắng của chị em phụ nữ khi bước vào thang máy bằng cách nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mọi người.
Ngày 21/3, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, luật hoá hành vi quấy rối tình dục và chế tài áp dụng để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là hướng dẫn việc xác định các dấu hiệu cụ thể để định tội trong các vụ việc xâm hại, quấy rối phụ nữ, trẻ em. Hội cũng đề nghị nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2013/NĐ-CP theo hướng phù hợp với hành vi vi phạm, nhất là các hành vi liên quan đến bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới.