Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng bức xúc, giao thông đang là cơn ác mộng đối với người dân TP HCM, nhiều tuyến đường không có lối cho người đi bộ, kẹt xe nhiều giờ. Theo ông, các phương án phân luồng, nâng cao ý thức người dân, tạo thành phố vệ tinh chỉ là giải pháp tình thế, mà phải có chiến lược về giao thông vận tải. Nếu không, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước.
"Bộ Giao thông phải có chiến lược giao thông trình Chính phủ thông qua. Hạ tầng phát triển thì đầu tư nước ngoài mới tăng, kinh tế mới phát triển", ông Trừng nhận định.
![]() |
Các đại biểu thảo luận tại tổ. Ảnh: PV. |
"Nhà tôi ở Đầm Sen, đi vào trung tâm thành phố khoảng 15-20 phút, song dạo này thường mất gấp đôi thời gian. Sống ở TP HCM rất ngột ngạt vì xe cộ, khói bụi... không thoải mái chút nào", đại biểu Đặng Ngọc Tùng phàn nàn. Theo ông, hạ tầng giao thông phát triển thì mới tạo sự bền vững cho phát triển kinh tế nên phải được quan tâm hơn các ngành khác.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, tổ đại biểu Hà Nội, cũng cho rằng, ùn tắc giao thông tồn tại nhiều năm song chưa có đầu tư thỏa đáng. Hiện tại các thành phố lớn mới tìm giải pháp tình thế như tăng ý thức người dân, xén hè, buộc đội mũ bảo hiểm... mà không có quy hoạch giao thông thành phố và trên toàn quốc. Ngoài ra, tình trạng quá tải phương tiện cá nhân gây tắc nghẽn cho hạ tầng thành phố, do vậy, Chính phủ cần có lộ trình tăng phương tiện cá nhân hằng năm.
"Bộ ngành, cơ quan các cấp chưa hẳn vào cuộc nên việc chống ùn tắc và tai nạn không thực sự hiệu quả", ông Nhanh nói. "Chính phủ nên tập trung ưu tiên cho phát triển giao thông, y tế, giáo dục đào tạo và cải cách hành chính".
Trưởng đoàn đại biểu TP HCM Trần Hoàng Thám cũng cho rằng, giao thông cần phải đưa vào chương trình trọng điểm quốc gia. Quốc hội nên xem xét vấn đề này và quy trách nhiệm cho những cơ quan quản lý giao thông.
Đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn, giao thông kém, muốn tăng trưởng kinh tế nhưng hạ tầng không đảm bảo, cơ chế quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản yếu. Vấn đề này không được giải quyết triệt để thì kinh tế năm 2008 còn khó khăn.
Thị trường bất động sản làm giàu cho kẻ đầu cơ
Theo đại biểu Trần Du Lịch, thị trường bất động sản kém lành mạnh, đầu cơ nhiều nhưng Chính phủ không có giải pháp để điều tiết. "Chúng ta duy trì luật chuyển quyền sử dụng đất. Đây là cách làm giàu cho các chủ dự án và làm nghèo Nhà nước. Bộ Tài chính phải trả lời tình trạng doanh nghiệp xí đất xong xin chuyển quyền sử dụng, rồi ôm đất chờ Nhà nước làm hạ tầng hưởng siêu lợi nhuận", ông Lịch nói.
Theo ông, cần sửa đổi thuế chuyển quyền sử dụng đất, phải đánh thuế người có 2-3 nhà theo giá trị. Nếu không đầu cơ được thì giá nhà đất sẽ hạ, người thu nhập thấp mới có thể mua được nhà.
Đại biểu Đặng Ngọc Tùng cho rằng, nhiều người đầu cơ cả nhà tái định cư khiến người dân giải tỏa không có nhà ở, gây gánh nặng cho xã hội. Đất ruộng đưa vào khu công nghiệp khiến người dân mất nghề. Do vậy, Chính phủ cần có chủ trương nào đó gắn quyền lợi của dân với khu công nghiệp như cổ phần.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập nhận xét, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải nhanh chóng hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai. Cần nhanh chóng trình Quốc hội cách tính thuế lũy tiến theo hạn mức đối với đất ở đô thị, khuyến khích người dân vào chung cư cao tầng, sử dụng nhà đất hợp lý. Các luật thuế liên quan đến sử dụng đất cần ưu tiên trình Quốc hội để sửa đổi, bổ sung. Cũng theo ông Lập, Chính phủ đã có cố gắng trong cải cách hành chính, tạo chuyển biến nhưng hiệu quả chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Rõ nhất là dự án đầu tư chậm triển khai: công trái, vốn đầu tư Nhà nước chậm giải ngân.... Trong đó, thủ tục hành chính là nguyên nhân căn bản. Điều kiện giao đất là phải có dự án được duyệt, có quy hoạch chi tiết song muốn có quy hoạch thì phải có dự án được duyệt. Đó là vòng luẩn quẩn, nảy sinh tiêu cực, tham nhũng, khiến các dự án mất hàng năm trời để thực hiện.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng cao cũng là vấn đề được nhiều đại biểu đề cập. Theo đại biểu Đặng Việt Thái, đời sống của người dân được cải thiện song chưa rõ là bộ phận nào. Giá cả tiêu dùng tăng quá cao, ảnh hưởng đến nông dân, công chức.
Các đại biểu yêu cầu, Chính phủ cần làm rõ hơn tăng chỉ số giá với những hiệu quả chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ. Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ ngày 1/1/2008 mà không làm tăng lạm phát cần có các giải pháp như thế nào.
Đoàn Loan