Sáng 23/3, đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về 6 báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 gồm Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; Chủ tịch nước; Thủ tướng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán nhà nước. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vắng mặt trong các phiên làm việc này.
Phần lớn ý kiến tập trung vào hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội, chỉ một số ít đề cập báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Thủ tướng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng các báo cáo đều "nghiêm túc, nhiều thông tin và số liệu chi tiết". Theo ông, nhiệm kỳ qua có nhiều biến động về kinh tế, tình hình Biển Đông... nhưng Quốc hội làm được nhiều việc như sửa Hiến pháp, giữ được tăng trưởng kinh tế, không bị rơi vào khủng hoảng, giữ được toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đó là thành tích chung của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, tổng kết nhiệm kỳ phải đánh giá tương xứng nỗ lực của nhân dân, chiến sĩ, người lao động, công nhân... nhất là trong sự kiện Biển Đông vì toàn quân, toàn dân ta đã rất nỗ lực. "Cần cảm ơn nhân dân đã luôn ủng hộ Quốc hội, Chính phủ trong lúc khó khăn đó. Chính nhân dân đã luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng sản xuất, thắt lưng buộc bụng cùng nhà nước vượt qua thử thách".
Đồng tình với đại biểu Nghĩa rằng các báo cáo chưa đề cập đúng mức vai trò của nhân dân, đại biểu Lê Thanh Hải (nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM) đặc biệt quan tâm đến các bài học kinh nghiệm.
"Trong lịch sử, không ai khác nhân dân là người chở che cho cách mạng. TP HCM khi tổng kết nhiệm vụ đều nhận thấy những sáng tạo của cơ sở chính là yếu tố quan trọng để đi đến thành công. Sự kiện giàn khoan Hải Dương 981 càng chứng minh điều đó", ông Hải dẫn chứng và bổ sung thêm hiện nay chính người dân ở hải đảo, biên giới đang ngày đêm giữ vững chủ quyền đất nước.
"Cảm ơn nhân dân là chưa đủ, phải đánh giá đúng vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân, của doanh nghiệp, đó là nhân tố quyết định mọi thành quả", ông Hải nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng báo cáo của Chủ tịch nước, Thủ tướng đã đầy đủ nhưng thiên về liệt kê những việc đã làm. Trong khi báo cáo nhiệm kỳ là phải đánh giá rõ được những gì làm tốt, chưa tốt so với trước, những điểm gì mới.
Theo ông Lịch, có mấy điểm nổi bật trong báo cáo Chính phủ là: điều hành linh hoạt, ứng phó hiệu quả với những bất ổn; chủ động tham gia đàm phán, ký được nhiều hiệp định thương mại lớn; quan điểm thị trường rõ hơn trong điều hành tỷ giá, lãi suất, đổi mới doanh nghiệp; thái độ mạnh mẽ trong vấn đề chủ quyền biển Đông.
Đại biểu Võ Thị Dung thì nhận thấy tính phê bình cao trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, bà cho rằng cần đánh giá sâu về khoảng cách giàu nghèo, vì đó là bản chất của chế độ. Vấn đề chống tham nhũng chưa được đề cập đầy đủ. "Tham nhũng là từ bộ máy chứ không từ dân, vậy bộ máy Chính phủ thế nào, cần đánh giá rõ để thực sự chống tham nhũng có hiệu quả. Vấn đề cải cách hành chính cũng chưa hiệu quả. Người dân, doanh nghiệp vẫn bị hành trong khi việc tinh giản bộ máy chưa làm được", bà nhắc.
Về báo cáo của Chủ tịch nước, "đó là báo cáo khá tròn. Chủ tịch nước nhiệm kỳ qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.
Đại biểu Vương Đình Huệ cũng đồng quan điểm Chủ tịch nước ngày càng làm tốt hơn vai trò của mình. Do Chủ tịch nước cũng là đại diện Việt Nam ký hiệp định về vay vốn, trong khi việc này liên quan tới nợ công, bội chi ngân sách nên ông Huệ đề xuất, Văn phòng Chủ tịch nước phải có chuyên gia am hiểu về lĩnh vực này.
Nhận xét báo cáo của Chính phủ, ông Huệ đề nghị làm nổi bật tính chủ động của Chính phủ trong điều chỉnh mục tiêu kinh tế.
"Đầu nhiệm kỳ chúng ta chưa thấy hết tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, sau đó Chính phủ đã rất nhạy bén và Trung ương, Quốc hội kịp thời điều chỉnh mục tiêu. Đây là việc có tính chất chiến lược và giờ đây nhìn lại thì đó là quyết định chính xác", ông Huệ nhận định. Chính phủ đã đạt được mục tiêu kép: kinh tế tăng trưởng năm sau tốt hơn năm trước, kìm chế lạm phát - đó là các thành tích ấn tượng nhất.
"Lúc đầu thắt chặt đầu tư công nghe thì khiếp lắm, tỉnh nào cũng kêu, nhiều công trình dở dang. Nếu không kiên trì theo đuổi quyết định trên thì sẽ rất nản. Đó là điểm cần làm rõ, đưa vào phần kinh nghiệm và là bài học rất tốt cho nhiệm kỳ tới đây của Chính phủ", ông Huệ góp ý.
Hoàng Thuỳ