-
16h00
"Những lúc nông dân lao đao, tư lệnh ngành ở đâu?"
Giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Tô Thị Bích Châu nói, bức tranh ngành nông nghiệp dưới lời miêu tả của lãnh đạo ngành nông nghiệp "khá sáng sủa", nhưng ở từng vụ việc cụ thể lại không thấy bóng dáng "tư lệnh".
Nữ đại biểu TP HCM minh chứng bằng ví dụ về vụ án phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, 10 ngày sau khi sự việc xảy ra tỉnh Đăk Nông mới lên tiếng, khẳng định "hỗn hợp bột pin thu giữ trong vụ việc này không dùng để sản xuất, nhuộm cà phê".
"Mười ngày đó người nông dân đã rất lao đao. Lúc đó tư lệnh ngành ở đâu, Bộ Công Thương ở đâu?", bà Châu đặt câu hỏi. Theo bà, những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông sản trong nước, nhất là cà phê - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã khiến dư luận hoang mang, nông dân trồng cà phê bất an.
-
14h30
"Đầu tư cho di tích văn hóa không bằng làm một km đường sắt trên cao"
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, xã hội còn nhiều bất an từ gia đình đến trường học mà nguyên nhân sâu xa nằm ở văn hoá.
"Chúng ta đã quan tâm đến văn hoá tương xứng với phát triển kinh tế chưa? Sự đầu tư cho văn hoá ở đây không chỉ về tài chính mà còn là tâm sức, trí tuệ, nhân lực, nhận thức", ông Hưng nêu vấn đề.
Dẫn ý kiến cử tri, ông Hưng phản ánh, khu di tích Thành nội Huế được đầu tư nhiều nhất, tuy nhiên trong 18 năm qua chỉ có 1.480 tỷ đồng, chưa bằng một km đường sắt trên cao; tương tự như vậy, đầu tư cho nhiều di tích văn hóa không bằng đầu tư cho 1,5 km đường ở khu đô thị Thủ Thiêm (TP HCM).
-
14h25
"Nhiều loại nông sản liên tục phải giải cứu"
Về lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hận cho rằng, công tác dự báo thị trường nông sản còn hạn chế, nhiều mặt hàng rớt giá, giá bán không đủ để người dân bù đắp chi phí sản xuất.
Nhiều nông dân không còn thiết tha với đồng ruộng trước thực tế một số loại nông sản họ làm ra phải giải cứu liên tục.
Đại biểu này nói: "Chính sách cho nông nghiệp chưa hiệu quả, liên kết 4 nhà ở đâu mà đời sống nông dân cứ long đong mãi, thu nhập thấp kém nhất các ngành nghề, được mùa chưa chắc đã vui. Để đảm bảo cuộc sống nhiều người phải bỏ ruộng vườn, đi làm tại các khu công nghiệp".
Đại biểu tỉnh Cà Mau kiến nghị, Chính phủ cần rà soát chính sách nông nghiệp nông thôn, có giải pháp thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực này và tăng cường ký các hiệp định thương mai để tìm đầu ra cho nông sản.
-
14h20
Tranh luận về cách phân nhóm sản phẩm nông nghiệp
Có 10 phút giải trình trước các đại biểu Quốc hội về quyết sách phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói vo khá nhanh nhưng rõ ràng.
Theo ông, ngành nông nghiệp đang đứng trước ba thách thức. Đầu tiên là thách thức tiến lên hiện đại từ hộ nhỏ lẻ, phân tán; hai là nguy cơ biến đổi khí hậu và ba là Việt Nam đi sau trong hội nhập nhưng phải trở thành nước tiên phong hội nhập nông nghiệp.
Bên cạnh khó khăn, thách thức, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho hay, các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua đã tạo sức lan toả cho nông nghiệp. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp lĩnh vực này đã tăng gấp đôi, từ trên 3.000 doanh nghiệp lên 7.200. Cùng với đó, từ chỗ tăng trưởng âm cách đây 2 năm, năm 2017 nông nghiệp đã tăng dương trở lại với 2,49% và 4 tháng 2018 ghi nhận tăng 4,05%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Thị trường xuất khẩu nông sản mở rộng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ.... Giá trị xuất khẩu nông sản tăng từng năm: năm 2017 là 36,52 tỷ USD và dự báo năm 2018 sẽ vượt 40 tỷ.
Tuy vậy Bộ trưởng Cường thừa nhận, "các khâu yết hầu của nông nghiệp còn rất yếu" do vậy ngành phải đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, cơ cấu lại theo 3 nhóm sản phẩm trụ cột chính là sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, vùng; cả 3 nhóm sản phẩm trụ cột này đều được thiết kế sản xuất, phát triển theo chuỗi....
Tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cách phân loại như trên có thể gây hiểu nhầm là phân trách nhiệm cho ba cấp chính quyền trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
"Trong nền kinh tế thị trường, chỉ có quan hệ giữa sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, sự tác động từ các cấp chính quyền là ở hỗ trợ của nhà nước. Việc phải giải cứu nông sản vì được mùa rớt giá chính là xuất phát từ tư duy phân cấp, trong khi hiện nay nông nghiệp cần sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ", ông Vân nói.
Đại biểu Vân phân tích, người nông dân có thói quen sản xuất hàng hóa theo trào lưu tiêu thụ mà không tính tới cung - cầu, do vậy Chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý về sản lượng, nhu cầu, từ đó mới có thể giải quyết được câu chuyện giải cứu nông sản.
-
14h20
Kiên quyết chống lãng phí sẽ thêm "nhiều củi vào lò"
Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá, đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời quan qua, góp phần quan trọng vào việc xoá bỏ lực cản phát triển, đồng thời qua đó khẳng định không còn lo lắng chuyện “diệt chuột làm vỡ bình”.
Tuy nhiên, theo ông, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bất cập dù Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp siết kỷ luật, đẩy mạnh thanh, kiểm tra. Cụ thể, vừa qua Chính phủ cho hay có 16/23 tập đoàn, tổng công ty không báo cáo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng hợp, trình Quốc hội.
Đại biểu tỉnh Thanh Hoá đề nghị, Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm đơn vị không tuân thủ quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt giải pháp này, ông cho rằng sẽ “bổ sung thêm củi vào lò đang nóng trong chống tham nhũng”.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý tài sản công để ngăn chặn lạm dụng, lợi ích nhóm trong quản lý đất đai. "Tham nhũng, mất đoàn kết, mất cán bộ cũng nằm ở đây", ông nói thêm.
-
14h15
Ưu tiên thu hút doanh nghiệp FDI "không có vết nhơ"
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định, Việt Nam kết thúc năm 2017 với những kết quả đáng trân trọng. "Chúng ta tăng trưởng những vẫn đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cán cân thương mại thặng dư; quá trình tái cơ cấu ngân hàng vừa qua được đảm bảo; nợ công từ 63,7% xuống còn 61,7%", ông nói.
Ông Ngân nêu một số kiến nghị, đầu tiên là phải kiểm soát "độ mở" của nền kinh tế vì Việt Nam đã trở thành nước thứ 7 có độ mở cao trên thế giới. "Thông thường nước nào có độ mở cao sẽ dễ bị tổn thương khi kinh tế thế giới suy thoái", ông khuyến cáo.
Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Ngân cho hay 30 năm qua Việt Nam đã thu hút được 370 tỷ USD; hiện có 3.400 dự án FDI đang triển khai. Doanh nghiệp FDI đóng góp 20% GDP, 72% kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và thu ngân sách. Tuy nhiên, đại biểu này cho rằng, hoạt động của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng có nhiều tồn tại cần khắc phục, trong đó có vấn đề về môi trường.
"Chính phủ phải có chiến lược định hướng thu hút FDI, ưu tiên các tiêu chí xanh, sạch; không có vết nhơ như trốn thuế, gian lận thương mại", ông nói.
-
14h00
Giải ngân chậm vốn đầu tư công khiến dự án ì ạch
Mở đầu phiên thảo luận chiều 25/5, ông Trần Đăng Ninh đã nêu vấn đề về giải ngân vốn đầu tư công. Theo ông, hiện nhiều dự án cần vốn nhưng giải ngân chậm, như dự án di dân lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình được phê duyệt hơn 2.000 tỷ đồng song mới giải ngân trên 400 tỷ.
Đại biểu Ninh đề nghị, Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa Luật Đầu tư công, bởi quy trình phê duyệt vốn cho dự án hiện còn rườm rà ."Có vốn mới có căn cứ phê duyệt dự án, nhưng phải có dự án mới được duyệt vốn, nên nhà đầu tư cứ mãi chờ, dự án thì dậm chân tại chỗ", ông nói.