Chiều 11/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đề xuất của Chính phủ, chuyển 3 trong số 8 dự án cao tốc Bắc Nam từ đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công.
3 dự án điều chỉnh đầu tư gồm: Mai Sơn - quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. 5 dự án còn lại tiếp tục triển khai theo hình thức PPP. Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 100.816 tỷ đồng, bao gồm 78.461 tỷ đồng ngân sách, còn lại huy động ngoài ngân sách.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, các dự án cho tư nhân đầu tư sẽ thi công nhanh hơn, chất lượng đảm bảo hơn so với đầu tư công. Kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật Đầu tư công, nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng. "Vì vậy, việc xem xét chuyển 3 dự án cao tốc Bắc Nam sang đầu tư công, thực sự là sự trăn trở, khó khăn với tôi và các đại biểu", ông Sinh nói.
Ông đánh giá việc đầu tư công dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây là "rất không thuyết phục và sẽ nảy sinh nhiều vấn đề". Bởi đề xuất này mâu thuẫn với chủ trương của Quốc hội khi phê duyệt đầu tư cao tốc Bắc Nam. Hai dự án này có lưu lượng vận tải và giá trị thương mại cao nhất, lẽ ra cần ưu tiên đầu tư PPP. Nếu đầu tư công thì khó triển khai kịp tiến độ đã đề ra.
Vì vậy, ông đề xuất đầu tư công 3 đoạn khác là Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu vì có lưu lượng vận tải thấp, giá trị thương mại thấp, vốn ngân sách bổ sung thấp.
"Để khách quan, minh bạch, khoa học, hiểu quả, tôi đề nghị trước khi thông qua Nghị quyết, Quốc hội cần lấy ý kiến các đại biểu để lựa chọn một trong hai phương án trên", ông Sinh phát biểu.
Đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm (Uỷ ban Tài chính Ngân sách) cho rằng mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành thì "dự án chắc chắn không đạt".
"5 dự án còn lại tiếp tục triển khai theo hình thức PPP nhưng với thực tế hiện nay và khả năng cho vay của ngân hàng như Chính phủ báo cáo, thì không có gì đảm bảo lựa chọn được nhà đầu tư. Vì vậy khâu dự báo, chuẩn bị cho các dự án PPP phải chấn chỉnh, rút kinh nghiệm", ông Hàm nói và dẫn chứng từ năm 2016 đến nay, không dự án BOT giao thông nào triển khai được.
Ông cũng lưu ý, Chính phủ chưa đánh giá tác động của việc chuyển đổi hình thức đầu tư đến nợ công. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ năm 2020-2021 có nhiều khoản nợ công đến hạn trả và bội chi tăng để khắc phục hậu quả dịch Covid-19. Chính phủ cũng chưa nêu phương án thu hồi vốn của dự án chuyển đổi sang đầu tư công.
"Việc chuyển đổi là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền tệ và tạo thành nếp nghĩ cứ khó khăn là dùng ngân sách thì mới bảo đảm khả năng thành công. Kiểm soát nợ công hiện nay không chỉ tính đến trần nợ công, khả năng trả nợ mà còn phải tính đến khả năng vay, tức là có vay được không? Giá phải trả như thế nào? Đây là việc phải tính toán kỹ, để có giải pháp chuyển đổi hình thức đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam", đại biểu tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm.
Bà Vũ Thị Lưu Mai (Uỷ ban Tài chính ngân sách) cũng cho rằng việc chuyển đổi sẽ "ít nhiều tác động đến dư luận xã hội và tạo tiền lệ cho giai đoạn về sau". Bởi tính chắc chắn và tính khả thi chưa được làm rõ, nên bà lo ngại "liệu tới đây Chính phủ có một lần nữa phải tính toán điều chỉnh 5 dự án còn lại từ PPP sang đầu tư công hay không?"
"Nếu Chính phủ chưa nêu rõ phương án cân đối vốn thì chưa đủ căn cứ để Quốc hội quyết định ngay tại thời điểm hiện nay, mặc dù trên thực tế thì chúng ta hoàn toàn có thể tính toán và dự ước được kế hoạch trong thời gian tới đây có đủ 23.461 tỷ cho 3 dự án. Tuy nhiên, xét về căn cứ pháp lý thì rõ ràng hiện nay chúng ta chưa có", bà Mai nói và đề nghị làm rõ trách nhiệm thu hồi vốn.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội) cũng lo ngại "liệu thời gian tới, 5 dự án còn lại không làm được theo hình thức PPP thì có tiếp tục đầu tư công hay không?".
"Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói đầu tư công sẽ nhanh hơn. Nhưng tôi rất lo lắng, bởi làm theo hợp đồng PPP thì nhà đầu tư bỏ vốn chắc chắn phải ứng dụng công nghệ để thi công cho nhanh, tốt để mang lại hiệu quả cao. Như vậy sẽ nhanh hơn đầu tư công", ông Phong nói.
Theo ông, 3 dự án được đề xuất có khả năng sinh lợi, thu hồi vốn cao nhất so với các dự án còn lại. Nếu chuyển đầu tư công là "buông bỏ nguyên tắc nơi nào khó, các thành phần kinh tế khác không làm được thì nhà nước mới làm, chứ không phải dễ thì nhà nước làm trước, khó để đó tính sau".
"Như vậy có đúng với chủ trương của Đảng, Quốc hội về xu hướng huy động mọi nguồn lực phát triển hạ tầng kỹ thuật hay không?", ông Phong đặt vấn đề và khẳng định nếu chủ trương được thông qua sẽ làm tăng nợ công.
Đáp lại băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói "hiện nay chúng tôi rất quyết tâm, tất cả thông số đã được sàng lọc, kiểm tra kỹ lưỡng".
Ông khẳng định, khi xây dựng xong 3 dự án này sẽ xây dựng cơ chế thu phí hoàn vốn cho ngân sách.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam là công trình quan trọng quốc gia ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, trong đó có 3 dự án đầu tư công, 8 dự án được Quốc hội quyết định triển khai theo hình đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.
8 dự án gồm các đoạn: Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Chính phủ, đến nay thiết kế kỹ thuật, dự toán của các dự án cao tốc đã cơ bản hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng tại các tỉnh đạt trên 70% khối lượng. Các dự án nếu được chuyển đổi sang đầu tư công thì có thể khởi công trong năm 2020 và hoàn thành năm 2022. Nếu tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, nhà đầu tư đang gặp khó khăn về huy động vốn tín dụng.