Thảo luận dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi sáng 3/6, Phó đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc đề xuất bổ sung quy định thắt chặt hoạt động chế tạo, sản xuất kinh doanh bảo quản sử dụng pháo hoa, pháo nổ.
Việc quản lý, sử dụng, mua bán, bảo quản pháo hoa, pháo nổ được quy định tại Nghị định 137/2020. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong trường hợp: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Pháo được sử dụng phải mua tại tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Dẫn Chỉ thị 406 năm 1994 của Thủ tướng về cấm sản xuất, mua bán, đốt pháo, bà Phúc cho rằng văn bản này đã thay đổi thói quen đốt pháo của người vào dịp lễ, Tết nguyên đán 30 năm trước. "Đây được xem là một quyết định có tính lịch sử, được sự ủng hộ, đồng tình cao của nhân dân trong nhiều năm qua", bà nói.
Tuy nhiên, sau đó luật đã cho phép người dân được mua và sử dụng pháo hoa. Việc này thực hiện trong 2-3 năm qua và "không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước". Ngược lại, việc đốt pháo hoa theo bà Phúc còn đe dọa đến an toàn phòng chống cháy nổ và sức khỏe của người dân.
Bà Phúc cũng đánh giá việc cho phép người dân đốt pháo hoa không cần thiết khi hoạt động này đã được các địa phương và cơ quan chức năng tổ chức tập trung. Bắn pháo hoa tập trung phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân vào dịp Tết và sự kiện trọng đại, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng chống cháy nổ.
"Từ việc trên, đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét, dừng cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán", đại biểu Phúc nói và đề xuất nghiên cứu tiếp tục thực hiện các quy định tương tự như Chỉ thị 406/1994.
Bà Phúc cho rằng nếu siết chặt trở lại việc sử dụng pháo sẽ khắc phục bất cập, lỗ hổng trong quản lý mua bán, phân phối sử dụng pháo hoa phát sinh những năm qua, nhất là tình trạng nhập lậu, sử dụng sai quy định và đe dọa an toàn cháy nổ.
Có ý kiến ngược lại, đại biểu Phạm Văn Hòa (Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp) đề nghị cho phép doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có điều kiện được sản xuất pháo hoa tầm thấp, thay vì chỉ đơn vị của Bộ Quốc phòng được thực hiện. "Dịp Tết, rất nhiều người dân muốn mua pháo hoa nhưng khó mua vì chỉ có Bộ Quốc phòng sản xuất.
Tại báo cáo dự kiến hướng tiếp thu dự thảo luật, Bộ Công an cho biết dự thảo không điều chỉnh đối với pháo hoa, pháo hoa nổ vì mục tiêu của dự thảo là quản lý, trang bị vũ khí, vật liệu trong thi hành công vụ, bảo đảm an ninh quốc gia, an toàn xã hội. Trong khi, đó pháo hoa, pháo hoa nổ được sản xuất nhằm phục vụ sử dụng trong các sự kiện văn hóa, chính trị và vui chơi, giải trí.
Bộ Công an cũng cho rằng Nghị định số 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo đã quy định cụ thể về hoạt động này và quá trình thực hiện không phát sinh khó khăn, bất cập.
Khái niệm pháo nổ và pháo hoa lần đầu tiên được nêu cụ thể tại Nghị định 137/2020 có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 thay thế nghị định 36/2009. Các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân có "năng lực hành vi dân sự đầy đủ" mới được sử dụng pháo hoa lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm. Ngoài dịp này, ai tự ý đốt pháo hay đốt pháo nhập lậu sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng.
Theo Bộ Công an, pháo hoa là loại pháo chỉ phát sáng chứ không gây ra tiếng nổ. Ví dụ, pháo bông, pháo điện, pháo phụt, que hương phát sáng... hoặc pháo khi bắn lên trời không gây ra tiếng nổ mà chỉ tóe sáng. Người dân được phép đốt pháo hoa song việc sử dụng pháo nổ hoặc pháo hoa nổ (loại nằm trong pháo nổ) vẫn bị nghiêm cấm.