Ngày 19/4, làm việc tại huyện Hóc Môn về công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bà Trần Hải Yến (Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP HCM) cho biết đây là chuyện đang rất "nóng", được xã hội đặc biệt quan tâm.
Bà Yến nêu 3 vấn đề người dân bức xúc trong các vụ xâm hại trẻ em vừa qua: khi xảy ra sự việc cả gia đình lẫn các cơ quan chức năng đều bối rối trong việc xử lý; gia đình trẻ bị xâm hại vất vả "chạy tới chạy lui" để giám định tổn thương; nhiều vụ bị đình chỉ điều tra hoặc không khởi tố.
Việc không khởi tố các vụ xâm hại trẻ em không chỉ là bức xúc của người dân mà còn là nỗi bức xúc cơ quan điều tra, tố tụng. "Hôm qua ở Bình Tân có đại diện cơ quan công an cho biết, chỉ khi nào chắc chắn mọi thứ, VKS mới quyết định khởi tố. Quan điểm là thà bỏ sót còn hơn bắt oan. Chúng ta cần rà soát lại các quy định hiện nay, góp ý để tháo gỡ sao cho có thể xét xử nghiêm minh, không bỏ sót người sót tội", bà Yến nói.
Nhiều đại biểu cho biết, đa số các vụ trẻ bị xâm hại xảy ra tại các khu nhà cho công nhân, nơi tập trung đông người nhập cư. Do gánh nặng mưu sinh, nhiều người lo làm ăn mà ít quan tâm đến con em. "Cần lắp thêm camera ở các khu vực này để có thêm phương tiện giám sát, bảo vệ trẻ em", bà Yến đề xuất.
Đại biểu này cũng đề cập việc Thường vụ Quốc hội vừa thông qua chương trình giám sát năm sau là thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em - cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.
Theo thượng tá Trương Minh Đức (Phó trưởng Công an Hóc Môn), muốn xử lý hình sự người có hành vi dâm ô trẻ em đòi hỏi chứng cứ cụ thể, thuyết phục. "Chuyện này không hề đơn giản. Bé có thể kể bị một ông dâm ô ở trong thang máy, ở trong lớp học nhưng lời nói này không đủ sức thuyết phục với cơ quan pháp luật, khi ra tòa".
Ông Đức đồng ý với việc cần rà soát, lắp đặt camera và có các biện pháp phòng chống xâm hại trẻ em tại những nơi tiềm ẩn nguy cơ như các điểm công cộng, lớp học, tránh việc "mất bò mới lo làm chuồng". Ông cũng đề xuất cần có cơ quan chuyên trách tham mưu cho chính quyền bảo vệ, phòng chống xâm hại trẻ em mới có thể nâng cao chất lượng công tác này.
Tiếp lời ông Đức, thiếu tá Lê Đức Song (Đội phó điều tra Công an Hóc Môn) cho biết, thực tế có nhiều vụ xâm hại trẻ em với những tình huống phức tạp, không thể khởi tố nếu chỉ dựa trên lời khai.
Chẳng hạn trẻ bị xâm hại xảy ra từ hai năm trước, nay gia đình mới báo công an nên việc thu thập dấu vết, chứng cứ rất khó khăn. Có trường hợp thầy giáo dâm ô học sinh, song khi công an tìm hiểu thì các em một mực bảo vệ thầy. Cơ quan điều tra phải tiếp cận, đấu tranh bằng nghiệp vụ, các em mới chia sẻ thật.
Một trường hợp khác, dù đã giám định được ADN của nghi phạm trong âm hộ của nạn nhân nhưng cũng không khởi tố được khi chứng cứ không rõ ràng, thuyết phục.
Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những bất cập trong công tác bảo vệ trẻ em. Phó bí thư Thành Đoàn TP HCM Phan Thị Thanh Phương cho rằng sự liên kết giữa các đoàn thể xã hội chưa chặt chẽ khi sự việc xảy ra. Công tác tuyên truyền cho học sinh về cách bảo vệ trước nguy cơ xâm hại chưa thật sự hiệu quả, đối tượng bị xâm hại nhiều nhất là trẻ em tiểu học, trong khi các buổi tuyên truyền tập trung ở bậc THCS, THPT.
Bà Phương đề nghị cần công khai quy trình người dân cần làm khi con em bị xâm hại, tránh tình trạng không biết kêu ai.
Cùng đề xuất trên, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề, trẻ em nam bị xâm hại ngày càng nhiều song chưa được quan tâm đúng mực, các thiết chế bảo vệ chưa đủ. Tại buổi giám sát trước đó, bà Trâm cũng đề cập chuyện hai mẹ con bé 5 tuổi ở Tân Bình phải chạy lòng vòng từ chiều đến 12h đêm vẫn không giám định y khoa được cho con bị xâm hại. Đến sáng hôm sau, bé mới được giám định nhờ sự can thiệp các cấp hội ở thành phố.
"Ngay ở giữa thành phố mà họ phải đi suốt đêm để được bảo vệ quyền lợi của mình là việc rất đáng suy nghĩ. Người dân cảm thấy không được bảo vệ, kẻ xâm hại không bị xử lý nghiêm thì mọi công sức đổ sông đổ bể", bà Trâm nói.
Theo báo cáo của huyện Hóc Môn, từ năm 2017 đến nay địa phương xảy ra 15 trẻ em bị bạo hành, xâm hại. Trong đó không khởi tố 3 vụ, chuyển lên cấp trên thụ lý 5 vụ, đang xác minh 2 vụ. Ở Bình Tân, trong hai năm 2017-2018 cũng có 18 vụ trẻ em bị xâm hại.
Nguyên nhân là nhiều trẻ em thiếu kỹ năng sống cơ bản như tự bảo vệ mình, ứng phó khi có sự việc xảy ra, thiếu sự quan tâm của gia đình. Công tác nắm bắt thông tin liên quan đến các vụ bạo lực, xâm hại cũng được cho là chậm.
Đợt giám sát tình hình thực hiện Luật Trẻ em - công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn do Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP HCM) tổ chức, kéo dài đến ngày 26/4. Động thái này được HĐND TP HCM đưa ra do thời gian qua xảy ra nhiều vụ trẻ em bị xâm hại nhưng chứng cứ buộc tội yếu, cơ quan chức năng lúng túng khi xử lý... khiến dư luận bức xúc, hoài nghi.