Trong phiên thảo luận về nhiệm vụ kinh tế, xã hội sáng nay, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự không hài lòng đối với công tác dự báo, quy hoạch đô thị của Hà Nội. Dẫn chứng tiêu biểu là trận mưa lịch sử cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua.
Theo ông Ngô Văn Ny, đại biểu cao niên tại HĐND Hà Nội, trong báo cáo của thành phố từ trước đến nay vẫn đổ hết trách nhiệm cho cơ sở. Lần này có nhắc đến sở ngành, song phải thẳng thắn nhìn nhận lãnh đạo thành phố đã thiếu kiên quyết chỉ đạo và điều hành.
Ông Ny cũng cho rằng, công tác tuyên truyền của Hà Nội "có vấn đề" trong trận đợt mưa lũ vừa rồi khi các thông tin thiết thực như: cứu hộ, tin đồn vỡ đê, thiếu rau xanh... chậm được thông báo tới người dân.
Các đại biểu HĐND cho rằng Hà Nội cần sớm có một quy hoạch "chuẩn". Ảnh: Hoàng Hà. |
Dưới góc nhìn của một kiến trúc sư và nhà quy hoạch, đại biểu Trần Trọng Hanh nhìn nhận, trận mưa lớn vừa qua bộc lộ nhiều bất ổn trong quy hoạch thoát nước. Hà Nội là vũng trũng, cốt nền hầu hết đều dưới mức báo động 2 của sông Hồng nhưng các hồ điều hòa lại đang bị lấp dần, vùng xả lũ quan trọng như khu vực Láng - Hòa Lạc thì lại được xây đô thị, cống thoát nước quá nhỏ lại còn là nơi xả rác...
"HĐND Hà Nội không được biết quy hoạch Vùng thủ đô như thế nào, tầm nhìn đến năm bao nhiêu. Chúng ta phải chủ trì thực hiện chứ không nên chỉ tham gia với Bộ Xây dựng", ông Hanh đặt vấn đề.
Vị đại biểu đang là Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội cho rằng, quy hoạch ngành thời gian vừa qua mỗi người làm một kiểu, thiếu tính tổng thế. "Nếu không làm tốt thì thủ đô thủ đô mở rộng sẽ to mà yếu, tăng trưởng nhưng không bền vững, dân đông mà nghèo", ông Hanh nói.
Đồng quan điểm với ông Hanh và ông Ny, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, nếu 10-15 năm trước đây, thành phố làm quy hoạch chuẩn thì giao thông, môi trường, thoát nước, trường mầm non không rơi vào tình trạng như bây giờ. Theo bà An, quy hoạch phải là công tác trọng tâm trong thời gian tới.
Lấy dẫn chứng về bản quy hoạch thành phố bên sông Hồng của Hàn Quốc bị nhiều nhà khoa học trong nước đặt nghi vấn bà An kiến nghị: "Chúng ta cần tận dụng đội ngũ trí thức thủ đô, không nên thiên về đi thuê nước ngoài".
Người dân thủ đô đang gánh chịu nhiều hệ lụy do quy hoạch yếu kém. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tại buổi thảo luận sáng nay, một số đại biểu bức xúc trước tình trạng lãng phí đất "vàng" tại nhiều dự án "treo". Ông Bùi Xuân Hộ lấy ví dụ, dự án nhà máy thuốc lá Thăng Long chiếm 30-40 ha đất song không triển khai, trong khi dân không có đất sản xuất. Nhiều trường mầm non đã được xây dựng lại bỏ không hoạt động.
"Thành phố phải rà soát sớm các dự án, cụm công nghiệp để có hướng điều chỉnh. Cuối năm 2009, HĐND phải tổng kết bao nhiêu dự án đã thu hồi", ông Hộ nói.
Đại biểu Đào Xuân Mùi lại phân tích tình trạng thất thoát lãng phí từ giao đất. Nếu giao đất ở thì giá trị tính trên diện tích mà nhà nước thu được chỉ là 100.000 đồng/m2, chênh lệch lớn so với thu từ đấu giá đất là hàng chục triệu đồng/m2.
Do vậy, theo ông Mùi, phải rà soát các dự án đầu tư theo lộ trình. Thực tế, khi thành phố hợp nhất thì có nhiều dự án đã được đầu tư, có chủ đầu tư đã "ôm" hàng nghìn ha đất sẽ dẫn đến để đất hoang hóa. Do vậy, những dự án đã phù hợp quy hoạch thì phải yêu cầu nhà đầu tư xây dựng tiến độ thực hiện.
Đại biểu Nguyễn Việt Hưng băn khoăn về "hậu" mở rộng thủ đô. Đó là thách thức về bình quân thu nhập, trước đây người Hà Nội cũ có mức thu nhập bình quân là 2.200 USD một năm, nay bình quân là 1.500 USD. Như vậy phúc lợi của người Hà Nội cũ sẽ giảm xuống. Ngoài ra, thành tích giáo dục của 2 địa bàn khác nhau, "vỡ" kế hoạch dân số cũng đòi hỏi thành phố phải nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu hơn trước.
Đoàn Loan - Nguyễn Hưng