Sáng 2/6, thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội, đại biểu Thái Văn Thành (Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An) cho biết ông đánh giá cao giải pháp ổn định giá sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đó là gửi công văn cho Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được nhà nước định giá, có chính sách trợ giá. "Việc này đảm bảo quyền lợi học sinh, trợ giúp cho người dân", ông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cũng tán thành các giải pháp giảm giá sách giáo khoa được Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết trong phiên thảo luận chiều 1/6. Bà đề nghị Chính phủ căn cứ vào đề xuất sớm có biện pháp hữu hiệu quản lý giá sách. "Đây là mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu, tránh việc tăng giá tùy tiện, tạo dư luận không tốt, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân", bà Nga nói.
Để giải quyết khó khăn liên quan đến sách giáo khoa, ông Thái Văn Thành ủng hộ việc xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa theo phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Nghệ An có 11 huyện miền núi, đặc biệt là 6 huyện miền núi cao khó khăn. Tỉnh đã dành một phần kinh phí để mua sắm sách giáo khoa cho nhà trường; kêu gọi học sinh khóa trước tặng lại sách để xây dựng thư viện.
Chủ trương này giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi có sách giáo khoa để học. Sách được dùng lại nhiều lần, tránh lãng phí. "Bộ Giáo dục và Đào tạo nên nhân rộng mô hình này trong các địa phương trên cả nước", ông nói.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung cho các trường vùng sâu, nơi đặc biệt khó khăn. Học sinh những nơi này sẽ được mượn sách miễn phí hàng năm và trả lại trường khi kết thúc năm học. Giải pháp này vừa tiết kiệm chi phí, vừa đỡ gánh nặng cho kinh tế các gia đình vùng khó khăn.
Hai đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường tăng cường truyền thông để người dân hiểu sách giáo khoa có hai loại, gồm sách bắt buộc và sách bổ trợ, tham khảo. Khi đó, tùy điều kiện và nhu cầu của mỗi học sinh, phụ huynh có thể quyết định mua hoặc không mua sách tham khảo.
"Nên thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc và sách tham khảo, vì hiện nay số lượng đầu sách cho học sinh, kể cả cấp tiểu học đều quá nhiều. Trong số này, có những cuốn chỉ là tham khảo, nhưng vì không có hướng dẫn nên phụ huynh không hiểu rõ phải lựa chọn đầu sách nào", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) cho rằng, ai cũng hiểu "sách tham khảo" là không bắt buộc, nhưng nếu có bán thì đa số phụ huynh đều mua "để con được bằng bạn bè".
Theo ông Hiếu, sách tham khảo là nguồn lợi rất lớn cho các nhà xuất bản nên cần hạn chế tối đa loại sách này. Các nhà giáo dục kinh nghiệm cũng chỉ ra rằng sách tham khảo trên thế giới chỉ dùng cho thầy cô giáo, làm phong phú thêm bài giảng, còn học sinh như cấp tiểu học thì không cần. Vì thế, ông đề nghị cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.
Giải trình trước Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, việc biên soạn sách giáo khoa được xã hội hóa. Các doanh nghiệp kê khai giá với Bộ Tài chính trước khi xuất bản và phát hành.
Với mong muốn học sinh được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, từ góc độ quản lý, Bộ đã nhiều lần yêu cầu NXB Giáo dục Việt Nam tiết kiệm tối đa, cắt giảm chi phí trung gian, đảm bảo giá sách giáo khoa thấp nhất. Bộ cũng yêu cầu nhà xuất bản có giải pháp cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc vùng khó khăn, cấp bản sách PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành.