Trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội sáng nay, ông Nguyễn Văn Cảnh nói xã hội được điều chỉnh bởi nhiều chế định, trong đó có có hai chế định cơ bản là pháp luật và đạo đức.
"Xã hội ngày càng phát triển, quy định pháp luật ngày càng bao quát đến hầu hết các hành vi của con người. Còn chế định đạo đức thì sao?", ông Cảnh nêu vấn đề và cho rằng, trong nhiều việc, xã hội còn vô cảm trước những khó khăn, nguy hiểm của người khác. Với những người không sẵn lòng giúp người khác đã đành, ngay cả với người tốt, khi nhìn thấy vấn đề gì đó họ cũng không dám tham gia vì sợ phiền hà, hiểu nhầm.
"Họ có thể giúp đỡ người khác nhưng sợ "làm ơn mắc oán", thậm chí rủi ro vì không được pháp luật bảo vệ", ông Cảnh nói thêm và cho rằng việc xây dựng Luật Bảo vệ người làm việc tốt là cần thiết.
Trong các kỳ họp Quốc hội trước đây, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đã đề xuất quy định kho biển số xe, điện thoại là tài sản công và đem đấu giá để thu tiền cho ngân sách Nhà nước. Liên quan đến Bộ luật lao động, ông Cảnh từng cho rằng nên điều chỉnh giờ làm từ 8h30, kết thúc lúc 17h, nghỉ trưa một tiếng.
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu quan tâm đến việc Chính phủ đề nghị đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé đề nghị "đánh giá trách nhiệm của các đơn vị liên quan" đến dự án luật này, bởi vấn đề quản lý đất đai thời gian qua còn nhiều vướng mắc, yếu kém và cử tri hỏi "tại sao Quốc hội không sửa Luật Đất đai kịp thời?".
Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân nói Quốc hội cần đưa Luật Đất đai vào chương trình làm việc năm 2021 và Chính phủ khẩn trương tổng kết, đánh giá để có cơ sở sửa đổi toàn diện đạo luật này.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận, việc sửa đổi Luật Đất đai hết sức khó và "Chính phủ đã nâng lên, đặt xuống ít nhất 2 lần, xin đưa vào rồi xin rút ra, sau đó đề nghị Thường vụ Quốc hội có nghị quyết xử lý một số vướng mắc, bức xúc".
"Chúng tôi xin tiếp thu phê bình của các đại biểu", ông nói và cho biết sẽ tiếp tục bàn với Bộ Tài nguyên Môi trường để xử lý việc này.
Quốc hội dành phiên làm việc sáng 22/5 để nghe và thảo luận tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình năm 2020. Trong đó, Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa ra khỏi chương trình năm 2020 hai dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); bổ sung các dự án Luật Phòng chống ma tuý (sửa đổi), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn...
Theo quy định, đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; còn chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sẽ do Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ nhất (mỗi năm Quốc hội họp 2 kỳ) của năm trước.