Sáng 7/1, Quốc hội thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ông Trần Văn Tuấn (Phó đoàn Bắc Giang) đề nghị bổ sung dự án đường sắt điện khí hóa tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn vào danh mục ưu tiên trong các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn 2021-2030.
"Tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn cần sớm đầu tư vì chi phí không quá lớn, khả thi, khi hoàn thành có thể vận hành được ngay do Trung Quốc đã có hệ thống đường sắt hiện đại, đồng bộ, kết nối với nhiều nước", ông nói, nhấn mạnh rằng dự án cũng tích lũy kinh nghiệm, kỹ thuật, nhân lực chuẩn bị cho đầu tư các tuyến đường sắt khác.
Ông Tuấn cho rằng, bổ sung tuyến đường sắt này là phù hợp với quy hoạch, nhất là định hướng phát triển hành lang kinh tế Bắc Nam gắn với đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông và đường sắt cao tốc Bắc Nam. Những định hướng lớn trong quy hoạch phát triển vùng động lực quốc gia, hành lang kinh tế đều chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.
Hệ thống đường sắt, bao gồm các tuyến kết nối để khai thông tuyến liên vận quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia là định hướng quan trọng nhằm giảm chi phí logistics và giảm tải cho đường bộ. Thực tế, nhiều nước phát triển có vận tải đường sắt đóng góp rất quan trọng bởi giá thành rẻ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang là thị trường quốc tế lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn rất lớn. Đường bộ Hà Nội - Lạng Sơn dù đã được đầu tư nhưng thường xuyên quá tải. Vì vậy, nâng cấp đường sắt sẽ giải quyết vấn đề, giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi hơn khi vận tải hàng hóa, khắc phục ùn tắc, nhất là nông sản.
Đầu tư tuyến đường sắt này sẽ mở rộng thị trường quốc tế cho hàng hóa Việt Nam, không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn vươn tới Trung Á, Trung Đông, châu Âu. Hàng hóa Việt Nam xuất đi các nước sẽ qua đường sắt, thay vì chủ yếu qua đường biển và hàng không như hiện nay, giảm đáng kể thời gian và chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị Quy hoạch tổng thể quốc gia quan tâm hơn đến kết nối vùng, khu vực, trong đó có tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar. Đây là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn với khu vực Vân Nam (Trung Quốc).
"Quy hoạch phát triển theo hành lang kinh tế là mắt xích chính yếu đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19", ông Đồng nhấn mạnh.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên bế mạc chiều 9/1.
Viết Tuân - Sơn Hà