Báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian qua, Thủ tướng và từng thành viên Chính phủ đã nghiêm túc chấp hành và cụ thể hóa những việc đã trả lời thành các cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện gắn với việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Có những việc đã đạt kết quả bước đầu và cũng có nhiều việc còn chưa đạt yêu cầu. Như việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế, tiêu thụ nông sản còn khó khăn. Cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển, nhất là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Bội chi ngân sách còn cao; nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn; cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh...
"Tình trạng khiếu nại tố cáo còn phức tạp. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra", Phó thủ tướng nói.
Đại biểu Lê Nam cho rằng, khiếu nại và tố cáo, chủ yếu về đất đai của nhân dân theo báo cáo của Chính phủ vẫn tăng là do chính sách. Hiện nay, giá đền bù do Chính phủ quy định theo định kỳ, HĐND tỉnh sau đó xem xét các điều kiện để áp giá. Cách làm này khiến người dân hoàn toàn đứng ngoài trong việc xác định giá thứ tài sản mà đối với họ là vô cùng lớn.
"Họ đang bị áp đặt nên bức xúc, khiếu nại tố cáo trong giải phóng mặt bằng vì vậy tăng lên. Tôi cho rằng, nếu vẫn thực hiện chính sách này thì tình hình sẽ ngày càng phức tạp. Đề nghị Chính phủ xem lại chính sách để giải quyết tận gốc vấn đề", ông Nam nói.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm qua đã phát sinh hơn 81.000 đơn thư khiếu nại tố cáo, chủ yếu liên quan đất đai. Nguyên nhân là các quy định hướng dẫn và thực hiện bồi thường đất đai chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác quản lý đất đai còn nhiều yếu kém, trình độ, ý thức của một số cán bộ chưa tốt, công tác tiếp công dân, đối thoại, làm rõ vấn đề chưa được kịp thời.
"Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật của người dân chưa tốt, nhiều trường hợp khiếu nại sai (khoảng 60%). Họ cho rằng càng khiếu nại lên cao thì giải quyết càng nhanh", ông Tranh nói.
Về phòng chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhận xét, Chính phủ đã có quyết tâm lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Theo ông Thuyền, muốn làm được việc này cần hai yếu tố là con người và niềm tin. Từ năm 1949 - 1975 chỉ một ông quản gia quản lý dinh Bảo Đại nhưng không mất thứ gì, sau này bàn giao đầy đủ lại cho cách mạng. Hiện nay, đảng viên, cán bộ quản lý các con dấu, nhưng tài sản vẫn hao hụt mà không tìm ra nguyên nhân.
"Yếu tố con người vì vậy vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó còn phải tạo niềm tin cho dân. Có đồng chí nói chúng tôi không đòi nhưng người dân cứ đưa tiền, vậy thì phải xem lại mình. Chỉ khi người dân không còn niềm tin mới dùng tiền để giải quyết mọi việc. Làm quan thì thời nào cũng có lộc, nhưng lộc quan khác với ăn tiền của dân", ông Thuyền khẳng định.
Đại biểu Lê Nam cũng cho rằng vấn đề tham nhũng cần phải suy nghĩ bởi vấn đề chạy chức, quyền, chạy biên chế, việc làm vẫn là thực trạng nhức nhối. Theo ông Nam, cần phải thực hiện thi công chức một cách quyết liệt, cả ở những vị trí cao nhất, loại trừ công thức sắp xếp cán bộ theo ngũ kế vần ê: hậu duệ, tiền tệ, cùng hệ, hợp lệ, trí tuệ.
"Vấn đề liên quan đến quan chức cao cấp cần nhanh chóng công khai cho nhân dân biết. Như vụ nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền bổ nhiệm hàng loạt vị trí trước khi về hưu hiện vẫn chưa có báo cáo. Chỉ cần một vụ như vậy nhân dân sẽ không tin", ông Nam nói và cho hay, nếu chỉ công khai từ vai trở xuống, nhân dân sẽ không tin, vì thế càng cao càng phải làm rõ.
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, ông Truyền là cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Bí thư. Sau phiên chất vấn lần trước, Ban Bí thư đã họp, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra trung ương kiểm tra những vi phạm của ông Truyền theo đúng quy trình.
"Đến nay chưa có kết luận nên chúng tôi chưa có thông tin để báo cáo đại biểu Quốc hội", ông Tranh cho hay.
Đại biểu Lê Như Tiến yêu cầu Chính phủ quản lý chặt lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ông Tiến cho hay, tại các kỳ họp trước đã nêu việc cho nước ngoài thuê rừng ở khu vực phòng hộ, nhạy cảm về quốc phòng trong khi người dân Việt Nam đang thiếu đất trồng rừng và hoàn toàn có thể làm việc này.
"Các vị đầu ngành lúc đó đã hứa chấm dứt cho thuê, thu hồi giấy phép sử dụng đất, vậy hiện nay đã làm đến đâu? Tôi đề nghị Bộ kế hoạch đầu tư, Tài Nguyên môi trường trả lời cho cử tri biết kết quả xử lý", ông Tiến nói.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có 78.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa tốt khi nhiều người không có giấy phép, thường xuyên thay đổi chỗ làm mà không cơ quan nào quản lý. "Đề nghị Bộ trưởng Công an, Lao động cùng chia sẻ", ông Tiến đề xuất.
Trong suốt buổi sáng, có 17 đại biểu đã góp ý cho Chính phủ trực tiếp tại hội trường. Tiếp thu tất cả các ý kiến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ nỗ lực khắc phục những tồn tại. Sau phiên trả lời chất vấn, Chính phủ sẽ tổ chức cuộc họp để làm ba việc gồm rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện những vấn đề đã nêu trong các nghị quyết, phân công rõ hơn trách nhiệm của các vị bộ trưởng, trưởng ngành, đồng thời Thủ sẽ kiểm tra sát sao hơn việc thực hiện những nghị quyết đã được Quốc hội thông qua.
"Xác định được trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước, Chính phủ sẽ làm tốt hơn nữa các chất vấn và nghị quyết của Quốc", Phó thủ tướng cho hay.
Hoàng Thùy