Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó đoàn chuyên trách tỉnh Hải Dương, cho biết như trên khi góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi, tại phiên thảo luận sáng 28/5 tại Quốc hội.
"Họ là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, lại bị ràng buộc bởi công việc nên việc thông tin phiên tòa chắc chắn có sự chuyên nghiệp và khách quan", đại biểu Việt Nga nói và cho hay đây cũng là kiến nghị của nhiều phóng viên gửi đến bà.
Trước đề xuất chỉ được ghi âm, ghi hình ở phiên khai mạc và tuyên án, bà Nga cho rằng nguyên tắc xét xử công khai là phải công khai toàn bộ phiên tòa chứ không phải là "giới hạn ở khai mạc hay tuyên án" như nội dung dự thảo.
Tại dự thảo Luật Tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi, TAND Tối cao đề xuất việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ thực hiện trong thời gian "khai mạc, tuyên án, công bố quyết định" và đều phải được chủ tọa cho phép. Việc ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa... cũng cần có sự đồng ý của họ.
Nêu quan điểm với VnExpress về việc này, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó ban chuyên trách Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng: "Nếu chỉ được thực hiện lúc tòa khai mạc, tuyên án, công bố quyết định thì phóng viên lấy đâu ra dữ liệu và cơ sở để đưa tin về diễn biến từ xét hỏi, lời khai, tranh tụng". Nội dung phiên tòa được báo chí phản ánh đầy đủ, chính xác, khách quan sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử, "giảm oan sai".
Từ vài tháng qua, tại một số phiên xét xử vụ án lớn gần đây như kit test Việt Á và sai phạm tại tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát..., phóng viên được bố trí ngồi tại phòng báo chí song không được ghi âm, ghi hình kể cả qua màn hình, không được sử dụng máy tính và không điện thoại. Việc chỉ được mang giấy bút vào ghi chép đã khiến hoạt động tác nghiệp đưa tin trở nên khó khăn, đặc biệt ở các vụ án tình tiết phức tạp, xét xử nhiều ngày.
Hôm nay, khi thảo luận về dự thảo luật này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó đoàn Đồng Tháp, nói "đồng ý việc chỉ được ghi âm ghi, hình khi khai mạc và tuyên án". Theo ông, nếu thẩm phán đồng ý thì phóng viên được ghi âm, ghi hình và "không đồng ý thì thôi". Khi ghi âm, ghi hình, phóng viên phải ghi đúng, cụ thể và chịu trách nhiệm về dữ liệu. Hơn nữa, Tổng biên tập chịu trách nhiệm trong việc sử dụng các bản ghi âm, ghi hình thì "đâu ai dám tung tin bậy bạ", ông Hòa nói.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Phú Thọ, đề nghị chỉ được ghi âm, ghi hình trong phiên khai mạc và tuyên án, công bố quyết định và "phải có sự cho phép của chủ tọa". Nếu ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng khác, người tham dự phiên tòa phải có sự đồng ý của họ và chủ tọa.
Phát biểu giải trình, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, việc quy định về ghi âm, ghi hình trong phiên tòa để duy trì trật tự phiên xử và nâng cao quyền con người. "Trong cùng phiên xử, bên này đồng ý nhưng bên kia không đồng ý thì cũng không được phép ghi âm, ghi hình. Đó là trong phòng xử, còn ra ngoài hành lang thì thoải mái", ông Bình nói và đề xuất giữ nguyên như dự thảo.
Luật sư Trịnh Văn Tuyến, Văn phòng luật sư Giang Thanh (Hà Nội), cho rằng Luật Tổ chức tòa án nhân dân 2014 đã nêu "tòa án nhân danh nhà nước xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính". Việc đưa tin các phiên tòa xét xử công khai "cần được coi là hoạt động công cộng vì lợi ích quốc gia, là góp phần phòng chống tội phạm".
"Do vậy, báo chí sử dụng hình ảnh của các đương sự tham gia phiên tòa không cần sự đồng ý của những người này", ông Tuyến nêu quan điểm.
Theo ông, Luật Báo chí đã "phủ sóng" mọi phương diện hoạt động của nhà báo, gồm cả phạm trù đạo đức, điều kiện tác nghiệp. Luật Tổ chức tòa án nhân dân chỉ điều chỉnh về các hoạt động của bộ máy tòa án. Việc lồng ghép quy định về nghiệp vụ báo chí vào Luật Tổ chức tòa án nhân dân sẽ dẫn đến chồng chéo, vướng mắc, giảm hiệu lực thi hành pháp luật cũng như tiến trình cải cách tư pháp.
Hiện, việc ghi âm, ghi hình phiên tòa (nêu tại điều 141 dự thảo luật) được chia thành hai phương án để trình Quốc hội cho ý kiến.
Phương án 1, việc ghi âm lời nói, hình ảnh của HĐXX tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa. Ghi âm lời nói, hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa. Đặc biệt, người tham dự chỉ được ghi hình ảnh phiên tòa khi khai mạc và tuyên án.
Tòa được ghi âm lời nói, hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình sẽ thực hiện theo quy định pháp luật. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này.
Phương án này đang nhận nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng trái với nguyên tắc "tòa án xét xử công khai" và làm hạn chế quyền tác nghiệp của nhà báo. Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng Hành chính và Luật Báo chí hiện hành đều cho phép nhà báo được tham dự đưa tin "diễn biến", "được tác nghiệp" tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp... Trong đó, ghi âm, ghi hình là hoạt động đặc thù của nghề báo.
Phương án 2, không quy định việc ghi âm, ghi hình như trên mà thực hiện theo quy định của các luật tố tụng.