Theo National Geographic, đoạn phim về cuộc giao chiến được hai du khách Matthew McCreesh và Catherine van Eyk, 26 tuổi, quay lại và chia sẻ hôm 5/4. Rowen van Eeden, nhà sinh thái học chuyên nghiên cứu động vật hoang dã ở Kruger, cho biết những màn chạm trán kiểu này rất hiếm gặp.
"Trong lúc đại bàng và rắn hổ mang di chuyển theo vòng tròn quanh đối phương, con chim lớn chủ động tấn công kẻ thù. Nó đập cánh ngay khi con rắn hổ mang phun nọc độc. Chúng tiếp tục nhìn nhau chằm chằm. Cuối cùng, con đại bàng chấp nhận thất bại và bay đi", nhóm du khách cho biết.
Con chim thuộc loài đại bàng săn rắn nâu (Circaetus cinereus) cố gắng ăn thịt con rắn hổ mang mũi rộng (Naja annulifera), theo Eeden. Rắn hổ mang mũi rộng có đặc điểm nhận biết là dải màu sẫm trên cổ họng, nhà nghiên cứu bò sát Nam Phi Johan Marais cho biết.
Dù người quay phim cho rằng con rắn hổ mang đang phun nọc, khả năng lớn nhất là con rắn ra đòn tấn công giả, van Eeden và Marais nhận định. Rắn hổ mang mũi rộng không thường xuyên phun nọc. Loài rắn này có thể đạt chiều dài 2,5 m. Nọc của nó mạnh đến mức có thể làm tê liệt thần kinh và tử vong chỉ với một vết cắn.
Là loài đại bàng ăn rắn lớn nhất, đại bàng săn rắn nâu nặng 2,4 kg và có sải cánh lên tới 1,6 m. "Chúng thường nuốt chửng con mồi và một số báo cáo cho thấy chúng ăn thịt cả những loài rắn độc nhất như rắn mamba đen", Eeden nói.
Đại bàng ăn rắn thường tấn công con mồi từ trên cao, dồn lực đá vào đầu rắn và sử dụng móng vuốt sắc để gây thương tích. Tuy nhiên, những con đại bàng không miễn dịch với nọc độc rắn và dựa vào tốc độ cũng như sức mạnh để tránh bị cắn. Chúng còn phải đối phó với chiến thuật cuộn chặt của con rắn hổ mang. Đại bàng thường làm con rắn kiệt sức để chờ thời cơ tấn công từ sau đầu mồi săn.
Xem thêm: Rắn hổ độc tử chiến cùng cá mặt quỷ.
Phương Hoa