"Tuần trước, tôi chuyển xuống 60-70 kg nấm hương Sapa và bán hết ngay. Giờ tôi chỉ còn 7 kg, muốn lấy thêm để bán Tết nhưng không còn hàng", cô Thảo kinh doanh gian hàng đặc sản Bé Bự ở Chợ phiên Tết Xanh tại quận 3, TP HCM chia sẻ ngày 27/1, tức 25 tháng Chạp.
Theo cô Thảo, nấm hương Sapa đắt hàng do khan hiếm. Mỗi túi nấm nặng 200 gram được bán giá 120.000 đồng. "Có nguồn gốc nội địa, được tuyển lựa và đóng gói chân không tránh ẩm mốc nên người tiêu dùng rất thích", cô Thảo cho hay.
Cùng với nấm hương Sapa, nhiều sản vật vùng cao biên giới phía Bắc năm nay nhộn nhịp đổ về các chợ phiên Tết ở TP HCM để phục vụ người tiêu dùng. Tại Chợ phiên Tết Xanh, các đặc sản khá mới lạ góp mặt năm nay có thể kể đến như bún ngô Lạng Sơn, măng nứa Sơn La, khoai sâm & bún phở Tả Lủng (Hà Giang), mật ong bạc hà có chỉ dẫn địa lý, đạt OCOP 4 sao Đồng Văn, mận ủ truyền thống Hoàng Su Phì hay cam Hàm Yên - Tuyên Quang.
Các đặc sản vùng Tây Nguyên cũng được người tiêu dùng TP HCM ưa chuộng. "Năm nay, sản lượng bán Tết của chúng tôi tăng khoảng 50% so với năm ngoái" anh Phạm Công Khiêm, Đồng sáng lập Nguyễn Văn Foods cho biết. Mỗi túi trà 100 gram được anh này bán giá 95.000 đồng. Phiên bản đóng gói làm quà tặng thì đắt hơn, tầm 120.000 đồng.
Kinh doanh nhiều mặt hàng từ cà phê đến các loại hạt như ngũ cốc và hạt Kơ Nia đặc sản, cô Nguyễn Thị Thơ, đại điện công ty Minh Dũng (Đắk Lắk) cho hay, cà phê vẫn là mặt hàng đắt khách nhất trong mùa Tết.
"Chúng tôi mang xuống bán Tết những dòng đặc sản giống Robusta và Arabica nhưng chế biến theo kiểu mới đang rất được ưa chuộng", cô Thơ nói. Theo cô, khách yêu thích vì những loại cà phê này là quả hái chín 100%, phơi nguyên trái trên giàn rồi mới rang xay.
Năm nay, người tiêu dùng TP HCM hầu như có thể mua được đặc sản Tết của khắp các địa phương vùng miền. Ngoài nông sản chế biến của các vùng núi, các món bánh mứt đặc trưng đều được bày bán phong phú trên nhiều kênh chợ phiên, siêu thị hoặc trực tuyến. Ví dụ như bánh chưng, bánh dầy Phú Thọ; cao lầu khô, bánh tráng Đại Lộc (Quảng Ngãi); mứt gừng Kim Long chế biến theo công thức của ngự trù cung đình Huế xưa; hay bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh).
Nếu như vài năm trước hạt Kơ Nia, mật dừa nước là những món mới lạ được chào sân mùa Tết thì năm nay, danh sách "lạ miệng" xuất hiện thêm nem chay vỏ bưởi của Bến Tre hay củ sen kẹp thơm của Đồng Tháp...
"Năm nay ảnh hưởng dịch bệnh, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu nên doanh nghiệp thực phẩm cũng có phần lo lắng. Nhưng chúng tôi vẫn chứng kiến được sự sôi động khi các doanh nghiệp đua nhau tung ra sản phẩm mới, ứng dụng chế biến công nghệ cao và rất được quan tâm", bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Viêt Nam chất lượng cao, nhận xét.
Dỹ Tùng