Hội An xưa là một trong những đô thị sầm uất ở Đàng Trong, là nơi giao thương giữa các nền văn hóa Đông Tây, vì vậy mà những món hàng ăn ở đây cũng rất đa dạng, phong phú.
Các món hàng rong ngày nay thường phục vụ cho bữa xế chiều, cứ tầm 2h, người ta lại nghe các bà các mẹ cất tiếng rao dạo. Mỗi khi có khách, người bán quẩy gánh vào lề đường, chọn nơi mát mẻ đặt hàng. Khách có thể mua mang đi hoặc ngồi ăn tại chỗ. Người bán hàng dọn ra những chiếc ghế nhỏ, ghế cũng là bàn, và thức ăn được bày lên thơm phức.
Chị Hường, người có thâm niên làm nghề bán bánh bèo đã hơn 20 năm cho biết: “Khách hàng các nơi, từ Nam tới Bắc, cả khách nước ngoài đều thấy lạ mắt và thích thú khi ngồi vỉa hè, ăn các món ăn như bánh bèo, bánh lọc. Thức ăn với nhiều người không lạ nhưng cách ăn và mùi vị thì có nét riêng của người dân nơi đây.”
Du khách có thể tìm trên các gánh hàng rong đủ các món ăn, từ bánh bèo, bánh bột lọc, đậu hũ, xí mà phù, đậu hũ cho đến cao lầu, mì Quảng, hến trộn. Cách ăn món bánh bèo ở đây có phần khác so với các nơi. Người ăn không dùng thìa mà dùng xiêng tre để xúc bánh. Nhân bánh bèo còn có thêm ram chiên từ sợi cao lầu ăn giòn rụm.
Bánh bột lọc, nem, chả xếp lớp trong những nồi lớn nhìn mướt mắt, hấp dẫn người đi đường. Thêm cái vị nước mắm cay cay, ngọt ngọt đặc trưng miền Trung càng níu chân du khách thập phương.
Các hàng ăn được bày bán trên vỉa hè với vài ba bộ bàn ghế thấp hoặc được người bán quẩy gánh đi khắp nơi, ấy vậy mà thức ăn luôn nóng hổi. Đặc biệt là xí mà phù hay còn gọi là chè mè đen, ăn ngon nhất là khi còn nóng, bất kể tiết nóng hay lạnh.
Các loại chè như chè bắp, đậu ván, đậu đỏ đều được nấu bởi nguyên liệu từ chính những vùng đất lân cận bên sông Hoài. Vì vậy mà món chè bắp Hội An không xa lạ gì nhưng vẫn nức tiếng dẻo thơm gần xa.
Ngay cả những món ăn đặc sản phố Hội như cao lầu, mì Quảng, hến trộn cũng xuất hiện ngày càng nhiều ở các quán hàng rong. Người du khách thích thú với việc vừa dạo chơi vừa có thể ngồi lại đâu đó để thưởng thức những đặc sản, ngắm nhìn cuộc sống của người dân bản địa.
Một lý do khác mà hàng rong nơi đây được yêu thích là chính bởi giá cả rất bình dân. Một chén bánh bèo hay chiếc bánh khoai có giá 5.000 đồng, đĩa bánh lọc hay bắp ngô nướng có giá 10.000 đồng. Các món hàng như cao lầu, mì Quảng có giá 20.000 đến 30.000 đồng/tô. Những chiếc bánh ram, bánh đường trên những chiếc xe đẩy cũng chỉ có giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/cái.
Từ nếp ăn nếp ở của người dân xưa mà những quy định ra đời ngày nay cũng phải phù hợp với cuộc sống nơi đây. Hàng rong Hội An không bị dẹp bỏ, cấm đoán như ở các thành phố khác, mà trở thành nét đẹp trong văn hóa, ẩm thực, giúp phát triển du lịch, cũng như đời sống người dân thành phố.
Với những hàng rong ở các tuyến phố đông đúc sẽ được quy định đóng phí chỗ ngồi, người bán phải học nội quy bán hàng như giữ gìn vệ sinh, không lần chiếm lòng đường, đặc biệt không chèo kéo khách, không lấy giá cao.
“Bán cho người mình hay khách thập phương đều bằng giá vậy, cũng không nài nỉ gì nhiều. Hễ có người này ăn thì cả đoàn kéo xuống ăn cùng”, chị Hoa, chủ sạp hàng bán chè phố Bạch Đằng cho hay.
Dạo qua các con phố cổ trong phố Hội như Trần Phú, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học hay ven sông Hoài, chúng ta sẽ dễ bắt gặp hình ảnh các cô, các chị quẩy đôi gánh vừa rao hàng, thỉnh thoảng họ dừng chân mời những người khách Tây với đôi câu tiếng bồi lưu loát. Người mua vui vẻ dùng món ăn, nếu từ chối thì cũng nhận được câu chúc vui vẻ của người bán. Cũng chính vì vậy mà hình ảnh còn người Hội An luôn mang nét niềm nở, thân thiện trong lòng mọi du khách.
Phổ cổ Hội An nhỏ, các con đường như những ô bàn cờ, vì vậy mà khách du lịch vẫn thích thả bộ để ngắm nhìn những nét cổ xưa của phố thị. Và trong từng góc phố ấy không ít lần hình ảnh các bà các mẹ với gánh hàng bánh bèo, bánh lọc thơm ngon lọt vào ống kính của du khách.
Cũng chính từ đó mà hàng rong được nhiều người biết đến và yêu thích. Người ta sẽ luôn nhớ hình ảnh ông lão già với gánh hàng Xí mà phù đã trở thành nét đẹp nơi đây cũng như những món ăn quen mà lạ khi có dịp ghé thăm phố cổ Hội An.
Thùy Trang