Nhà văn Thạch Lam từng ca ngợi "Bánh cốm là một thứ bánh gợi cho ta những kỷ niệm rất nhiều màu". Với những người con xa quê, bánh cốm mang đến những gợi nhớ đầy hoài cổ về một nét đẹp văn hóa thanh tao trong cách thưởng thức ẩm thực của người Hà Nội. Nhắc đến bánh cốm, người dân Thủ đô nhớ ngay đến bánh hiệu Nguyên Ninh tại Dốc 11 Hàng Than.
Nguồn gốc bánh cốm Nguyên Ninh
Có mặt từ năm 1865, cụ tổ của dòng họ Nguyễn Duy là người đầu tiên làm ra chiếc bánh cốm. Cái tên "Nguyên Ninh" có hàm nghĩa bánh cốm sẽ mang trọn nguyên gốc làng Yên Ninh, do trước kia phố Hàng Than thuộc làng Yên Ninh, tổng Yên Thành, ngoại thành Hà Nội;
Thời mới ra đời, những chiếc bánh cốm được bán ở chợ Đồng Xuân và nhanh chóng nổi tiếng khắp Thủ đô bởi hương vị thơm ngon, dễ ăn, lại đượm chất thu vốn có của Hà Nội. Trải qua 6 đời làm bánh, chất lượng và uy tín của bánh cốm Nguyên Ninh vẫn được duy trì nhờ bí quyết riêng chỉ được truyền dạy cho con cháu trong nhà hơn 150 năm.
Những chiếc bánh cốm thoạt nhìn đơn giản nhưng lại trải qua quá trình chế biến công phu. Ngay từ khâu chọn nguyên liệu, chọn loại cốm, đỗ xanh nào cho ngon đã phải thật cẩn thận. Người nhà Nguyên Ninh cho biết, với bánh cốm, quan trọng nhất là cách xào cốm. Con cháu trong nhà cũng phải học nhiều năm mới có thể xào cốm thành thạo để cho ra những chiếc bánh ngon, đảm bảo hương vị vốn có.
Ngoài ra, nét đặc trưng của bánh cốm Nguyên Ninh là hoàn toàn không pha bột, chỉ làm bằng cốm nguyên chất và không xay để tránh mất hương vị. Việc bỏ qua công đoạn xay mà vỏ bánh vẫn dẻo mịn chính là bí kíp gia truyền nhà Nguyên Ninh.
Nhận biết bánh cốm Nguyên Ninh
Những người sống ở Hà Nội lâu năm đều biết bánh cốm Nguyên Ninh chỉ bán duy nhất tại cửa hiệu số 11 Hàng Than. Nhưng, hiện nay, con phố này lại mọc lên hàng chục hiệu bánh cốm, đều lấy tên Nguyên Ninh hoặc nhái đi như Nguyễn Ninh. Điều này khiến người mua gặp nhiều hoang mang trong việc tìm kiếm những chiếc bánh chính hãng.
Thay vì trưng biển quảng cáo bánh cốm bắt mắt, Nguyên Ninh gốc ở số 11 Hàng Than lại khiêm tốn hơn, không phô trương, không bày bánh ra hẳn mặt đường, không tráp nhỏ tráp to như nhiều cửa hàng.
Không ít trường hợp, khách hàng bối rối vì mẫu mã na ná nhau của bánh cốm với hộp xanh, mặt màu đỏ, in chữ vàng, phía trên cũng có chữ Hán tự. Hộp bánh Nguyên Ninh thật ở số 11 Hàng Than không hề có chữ Hỷ: 喜 như các hàng khác, mà thay vào đó là chữ "Nguyên Ninh" trong tiếng Hán là 寧原, có nghĩa là "nguyên gốc làng Yên Ninh". Đây là chi tiết nhỏ mà không phải ai cũng phân biệt được.
Nguyên nhân của sự khác biệt này là do bánh cốm hiện nay được sử dụng làm lễ vật ăn hỏi sang trọng, trong khi, cụ tổ bánh cốm Nguyên Ninh sáng tạo ra chiếc bánh này không phải để phục vụ cưới hỏi. Các thương hiệu khác do hiểu lầm đó mà in chữ "Hỷ" lên hộp bánh thay vì chữ "Nguyên Ninh" bằng tiếng Hán.
Ngoài làm nhái tên, mẫu mã, nhiều đơn vị còn thành lập cả những trang bán hàng giả mạo, đánh vào tâm lý mua hàng tiện lợi. Nhiều website, Facebook lấy tên Bánh cốm Nguyên Ninh, thậm chí còn đề hẳn địa chỉ 11 Hàng Than để lừa đảo. Nhiều người không để ý nên đặt giao hàng và sau đó nhận ra mua phải bánh cốm giả mạo Nguyên Ninh.
Thực tế, Nguyên Ninh không nhận giao hàng qua online, đơn vị cũng chỉ sử dụng Fanpage Bánh cốm Nguyên Ninh - Chính gốc số 11 Hàng Than như một trang thông tin văn hóa, lịch sử .
Chị Thu ở Cầu Giấy cho biết, từ lâu gia đình chị chỉ tin tưởng mua bánh cốm Nguyên Ninh số 11 Hàng Than, vừa là để thưởng thức, vừa để làm quà cho người phương xa. "Những người ở xa nhận được bánh cốm Nguyên Ninh như nhận được hương vị Hà Nội, đáng quý và trân trọng lắm", chị nói.
Thu Ngân
Bánh cốm Nguyên Ninh - đặc sản gia truyền từ năm 1865
Địa chỉ: 11 dốc phố Hàng Than, Hà Nội
Facebook: facebook.com/BanhComNguyenNinhChinhGoc11HangThan
Điện thoại: 02438283573