"Không có lời biện minh nào cho hành động của quân đội Myanmar. Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi đảo ngược tình trạng không thể chấp nhận được này, tận dụng mọi kênh đa phương và song phương để khôi phục cải cách dân chủ ở Myanmar", đặc phái viên Liên Hợp Quốc Christine Schraner Burgener nói trong cuộc họp trực tuyến với Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 26/2.
Burgener "cực lực lên án" các động thái gần đây của giới chức Myanmar, bao gồm hành động sử dụng vũ lực gây chết người "không thể chấp nhận được". Đặc phái viên Burgener kêu gọi cộng đồng quốc tế "không công nhận hoặc hợp pháp hóa" việc quân đội Myanmar tiếp quản quyền lực.
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, đại diện cho chính phủ dân sự, kêu gọi cơ quan này "sử dụng bất cứ biện pháp cần thiết nào để chống lại hành động của quân đội Myanamar, đảm bảo an ninh và an toàn cho người dân".
"Chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và không phục nền dân chủ", Kyaw Moe Tun nói.
Chính phủ và quân đội Myanmar chưa bình luận về thông tin này.
Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức chính phủ dân sự Myanmar bị quân đội bắt ngày 1/2 với lý do nhằm giải quyết cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11/2020, với chiến thắng lớn của đảng NLD do Cố vấn Nhà nước lãnh đạo. Suu Kyi còn đối mặt với tội nhập khẩu bộ đàm trái phép và vi phạm các biện pháp hạn chế Covid-19 theo Luật Quản lý Thiên tai.
Các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội quân đội Myanmar bắt Cố vấn Suu Kyi bùng phát khắp đất nước. Lực lượng chức năng sử dụng vòi rồng, hơi cay, đạn cao su và thậm chí đạn thật để đẩy lùi người biểu tình. Ít nhất ba người biểu tình và một cảnh sát Myanmar chết trong các vụ đụng độ.
Mỹ, Anh cùng một số quốc gia và tổ chức kêu gọi trả tự do cho Suu Kyi, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào chính quyền quân sự Myanamar cùng các đối tác kinh doanh của họ. Quân đội Myanmar cam kết tổ chức một cuộc bầu cử mới và khẳng định sẽ trao lại quyền cho bên chiến thắng.
Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters)