Vào một buổi chiều ẩm ướt tại khu tự trị người Kurd ở Iraq, tay súng Peshmerga tên Peshawa, 29 tuổi, lấy điện thoại di động ra, tìm trong thư viện trên máy cho đến khi thấy video anh cần rồi bấm "bắt đầu phát".
Video được quay ngày 11/9, cho thấy 4 người đàn ông cao, giống người phương Tây, tham gia một trận chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở miền bắc Iraq. "Họ là người Mỹ", Guardian dẫn lời Peshawa nói.
Một người cúi mình phía sau khẩu súng máy đang nã đạn trên đỉnh một gò đất. Một người khác nằm sấp, duỗi chân, cách đó không xa và ngắm bắn kẻ địch bằng súng trường. Người thứ ba cầm máy ảnh với ống kính chụp xa, chụp liên tục. Người cuối cùng đứng ở phía sau, dường như để quan sát những người khác trong cuộc chiến ở phía tây nam thành phố Kirkuk này.
Theo Peshawa, video là bằng chứng cho thấy đặc nhiệm Mỹ đã bí mật tham chiến tại tiền tuyến ở Iraq suốt nhiều tháng.
Một video khác, quay ngày 11/6, ghi lại cảnh một binh sĩ Mỹ mặc trang phục và đeo phù hiệu của một đơn vị chống khủng bố người Kurd đang di chuyển cùng khoảng hơn 20 tay súng Peshmerga sau trận giao tranh dài 7 giờ với phiến quân IS ở làng Wastana và khu định cư Saddam.
"Ban đầu, người Mỹ nã đạn như mưa vào Wastana", thiếu tướng Loqman Mohammed nói, chỉ tay vào ngôi làng vẫn đang bị IS kiểm soát. Các tay súng Peshmerga không muốn công khai hình ảnh hay video vì lo sợ bị giải ngũ nhưng cho phép phóng viên xem trên điện thoại.
Karwan Hama Tata, một tay súng Peshmerga tình nguyện, đưa ra video ghi cảnh hai người Mỹ cùng ba tay súng Peshmerga trong một trận chiến. "Họ chiến đấu, thậm chí còn vượt lên trước lực lượng Peshmerga. Họ không cho phép ai chụp ảnh họ nhưng họ lại chụp ảnh mọi người", người này nói.
Đặc nhiệm Mỹ tới Kirkuk từ đầu năm để huấn luyện, cố vấn và hỗ trợ Peshmerga đối phó IS. Theo một chỉ huy Peshmerga, khoảng 30 lính đặc nhiệm Mỹ đã thiết lập một phòng tác chiến trong thành phố.
"Tháng 2, lần đầu tiên 4 xạ thủ Mỹ tới phía nam Kirkuk vì một số tay súng của chúng tôi bị xạ thủ IS tiêu diệt", một chỉ huy Peshmerga cấp cao nói. "Xạ thủ Peshmerga yếu kém. Chúng tôi sẽ tổn thất vài người trước khi hạ được một xạ thủ IS. Do đó, chúng tôi rất cần các xạ thủ Mỹ. Họ tham gia mọi cuộc chiến ở nam Kirkuk và thực sự là những người tài giỏi".
Các nguồn tin Peshmerga nói Mỹ còn tham gia hàng loạt cuộc chiến với IS. Chúng bao gồm đợt tấn công ngày 20/4 giành lại làng Dawus al Aloka, tây nam Kirkuk, hai đợt tấn công ngày 11/6 và 26/8 nhằm giành lại làng Wastana cùng khu định cư Saddam, và kiểm soát làng Wastana thành công trong đợt tấn công ngày 11/9.
Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ tại Baghdad phủ nhận tuyên bố của Peshmerga. "Không có lính Mỹ hay liên minh SOF (lực lượng tác chiến đặc biệt) tham gia những sự kiện mà họ liệt kê ra", cơ quan này cho biết. "Liên minh tiếp tục hỗ trợ đối tác bản địa bằng cách cố vấn. Chúng tôi không có thông tin các nhóm cố vấn và hỗ trợ của liên minh tham gia hành động như họ đề cập".
Giới phân tích nhận định ranh giới giữa "cố vấn và hỗ trợ" và tham chiến có thể dễ dàng bị xóa mờ.
"Vấn đề là tình hình thực tế. Họ đang cố vấn và hỗ trợ nhưng lại bị đặt vào tình huống cận tham chiến. Trong trường hợp đó, tôi nghi hai khái niệm trên có thể trở thành một", Aaron David Miller, cựu cố vấn cho các ngoại trưởng Mỹ trong đàm phán Arab - Israel, nói.
Các chiến dịch đặc biệt của Mỹ gần Kirkuk thu hút sự chú ý từ công chúng vào tháng trước, khi trung sĩ Joshua Wheeler, 39 tuổi, thiệt mạng trong đợt đột kích cùng lực lượng người Kurd vào một tòa nhà IS, giải thoát khoảng 70 con tin có nguy cơ bị hành quyết.
"Chúng tôi đang tham chiến, ý tôi là đó tất nhiên là vùng chiến sự. Chiến tranh đang diễn ra ở Iraq. Chúng tôi ở đó và nó bao xung quanh chúng tôi", Steve Warren, người phát ngôn Lầu Năm Góc, cho biết sau đợt đột kích.
Brett McGurk, đặc phái viên của tổng thống Mỹ trong liên minh quốc tế chống IS, tuần trước thừa nhận ông biết các cố vấn đôi khi còn hỗ trợ nhiều hơn là chỉ bằng lời tư vấn ở Iraq và Syria.
"Phần lớn quá trình, các cố vấn quân sự của chúng tôi cung cấp tư vấn, hỗ trợ huấn luyện", ông nói. "Tuy nhiên, có lúc chúng tôi dựa vào lợi ích an ninh quốc gia và sự cho phép từ tổng thống đề hành động trực tiếp hơn".
McGurk lấy ví dụ là đợt đột kích ở miền đông Syria hồi tháng 5 nhằm vào chỉ huy IS tên Abu Sayyaf, kẻ được cho là quan trọng trong hệ thống tài chính của nhóm phiến quân. Mỹ bắt vợ Sayyaf và thu thập được nhiều thông tin tình báo trong chiến dịch.
Theo Bloomberg, hiện có khoảng 3.500 quân nhân Mỹ đang đóng quân ở Iraq
Như Tâm