Chị Trương Nguyễn Thoại Giang (48 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc cho Chính phủ Australia) chia sẻ đặc điểm của giáo dục tiểu học nước này.
Giáo dục phổ thông ở Australia kéo dài 13 năm. Tiểu học bắt đầu từ lớp dự bị đến lớp 6. Trung học từ lớp 7 đến lớp 12. Khi được 5 tuổi, học sinh sẽ vào lớp dự bị. Chất lượng giáo dục của Australia nằm trong Top 5 thế giới. Chương trình học đa dạng, phong phú và linh hoạt bao gồm kiến thức và kỹ năng cần thiết để giúp cho học sinh học tập và phát triển trong suốt cuộc đời.
Bộ Giáo dục tiểu bang đưa ra quy định tổng quát về chương trình học kèm theo yêu cầu, kết quả cần đạt. Dựa vào khung của Bộ, các trường sẽ lên chương trình dạy và học cụ thể. Thầy cô không bắt buộc sử dụng công cụ hỗ trợ nào, hay sách gì miễn là học sinh đạt được kết quả như mong muốn.
Australia không có sách giáo khoa, chỉ có sách tham khảo. Các trường lên chương trình học hàng năm đều có sự tham gia góp ý của đại diện thầy cô, học sinh, phụ huynh và cộng đồng cư dân địa phương. Chương trình học phản ánh tầm nhìn, định hướng và mục đích của mỗi trường.
Thầy cô quan niệm chỉ khi học sinh vui vẻ khi đến trường thì mới đạt được kết quả học tập tốt và có cơ hội tỏa sáng. Quan hệ giữa thầy và trò không phải là "đọc - chép" hay "dạy - học" theo nghĩa đen mà thầy cô là người hướng dẫn và học sinh được hướng dẫn. Thầy cô đối xử với học sinh rất bình đẳng, công bằng, cho nên học sinh Australia rất tự tin trong giao tiếp.
Ngoài việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, thầy cô chú trọng hướng dẫn cách học và nghiên cứu để các em có thể áp dụng cho việc học và trong cuộc sống hiện tại cũng như tương lai sau này. Học sinh được học về chính mình và vị trí của mình trong xã hội, có trách nhiệm về thể lực và việc học tập của mình. Nhờ vậy, các em được rèn luyện tư duy cũng như tính tự lập và tự giác từ rất sớm.
Ngay từ lớp dự bị, con tôi đã có bài tập về nhà. Đề bài là mô tả sinh vật biển mà cháu yêu thích. Cháu tự tìm kiếm thông tin, hình ảnh từ sách tham khảo thiếu nhi và Internet. Tôi chỉ hỗ trợ bằng cách đưa cháu đi thư viện mượn sách và hướng dẫn truy cập Internet, còn cháu tự hoàn tất bài tập theo cách riêng.
Chương trình giáo dục phổ thông về cơ bản bao gồm 8 lĩnh vực: (1) Tiếng Anh, (2) Toán, (3) Khoa học, (4) Khoa học Xã hội và Nhân văn, (5) Nghệ thuật, (6) Ngôn ngữ, (7) Sức khỏe và Thể dục, (8) Kỹ thuật. Từ lớp dự bị cho đến lớp 2, chương trình học chú trọng vào Tiếng Anh, Toán, Nghệ thuật, Khả năng xã hội, Sức khỏe và Thể dục. Từ lớp 3 đến 8, chương trình được mở rộng và nhấn mạnh vào Tiếng Anh, Toán, Khoa học, Ngôn ngữ, Sức khỏe và Thể dục.
Thể lực của học sinh được đặc biệt chú trọng. Sân chơi, phòng tập thể thao không thể thiếu. Các môn thể thao phổ biến của học đường là bơi lội, bóng bầu dục, bóng rổ, bóng lưới, thể dục dụng cụ, tennis, bóng đá và điền kinh. Đa phần mỗi học sinh chơi ít nhất 2 môn thể thao. Trường tiểu học nơi con tôi theo học mỗi năm có hai tuần học bơi bắt buộc.
Những môn phụ như Thiết kế, Sáng tạo và Kỹ thuật, Tin học khuyến khích tư duy. Âm nhạc là môn tự chọn được yêu thích. Hầu như học sinh nào cũng hiểu biết tương đối về âm nhạc và chơi ít nhất một loại nhạc cụ. Âm nhạc giúp các em có cuộc sống phong phú hơn khi trưởng thành. Nhà trường cũng kiến tạo những tiết học về Ca kịch, Nói trước công chúng, nhằm hoàn thiện cá nhân học sinh.
Ngoài ra, mỗi trường còn có nhiều chương trình ngoại khóa như cắm trại, văn nghệ cuối năm, triển lãm nghệ thuật hay các câu lạc bộ như đánh cờ, đan móc, toán, khoa học, làm vườn, làm mô hình. Những hoạt động này trước là tạo một sân chơi lành mạnh sau giờ lên lớp, khơi gợi những kỹ năng tiềm ẩn của học sinh, sau là nâng cao kỹ năng giao tiếp, xã hội.
Nội dung chương trình học tập được thiết kế nhằm nâng cao kiến thức mọi mặt, bồi dưỡng khả năng, khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập nhưng chấp nhận sự khác biệt của từng cá nhân khác. Từ đó các em có thể tự phác họa và hoạch định con đường mình đi và tự tin hơn về tương lai để hội nhập cuộc sống một cách hài hòa.
Thông thường một lớp tiểu học có 22 học sinh. Ngoài cô giáo chủ nhiệm còn có các giáo viên chuyên môn như ngoại ngữ, vi tính, nghệ thuật và thể dục. Tỷ lệ trung bình là một giáo viên trên 12 học sinh. Tất cả thầy cô từ tiểu học cho đến trung học đều có bằng đại học sư phạm.
Phụ huynh và học sinh chọn ghi danh vào trường công hay trường tư tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của gia đình. Trường tư gồm có trường Thiên chúa giáo và trường độc lập (independent school). Các trường độc lập có phương châm giáo dục riêng, hay theo một tôn giáo nào đó như Tin lành, Do thái giáo hay Hồi giáo.
Tiểu bang Victoria, với dân số 6,5 triệu có hơn 1.500 trường công, gần 500 trường Thiên chúa giáo và 200 trường độc lập. Chi phí cho trường công một năm học khoảng $1.000 trong khi chi phí của trường tư có thể gấp 20 lần. Các gia đình ở vùng xa xôi hẻo lánh hay vì một lý do nào đó mà không muốn con đến trường cũng có thể xin phép chính phủ được dạy con tại nhà.
Ngoài trường chính quy, Australia còn có các mô hình trường học khác như trường đặc biệt dành cho trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, tự kỷ; trường dành cho học sinh di dân mới đến Australia; trường ngôn ngữ cộng đồng với hơn 40 ngôn ngữ được dạy phản ánh xã hội đa văn hóa, đa sắc tộc của Australia. Phổ biến nhất là tiếng Trung, Việt, Hy lạp, Italy và Ả rập.
Tóm lại, giáo dục phổ thông ở Australia ngay từ bậc tiểu học đã đào tạo học sinh thành một người học thành công, toàn diện, một cá nhân tự tin và sáng tạo, một công dân chủ động và hiểu biết, bao gọn trong tiếng Anh bình dân là "round person". Một học sinh lớp 3 chưa giỏi Toán cứ loay hoay mãi với phép nhân chia nhưng ngược lại có thể đứng trước lớp thuyết trình rành rọt về hệ Mặt trời.
Cũng không có gì ngạc nhiên khi hai học sinh lớp 4 và lớp 6 sau khi nói chuyện chơi game chán liền xoay qua bàn về ông Thủ tướng đương nhiệm và khả năng ông này sẽ bị đảng đối lập đánh bại trong kỳ bầu cử sắp tới.
Thoại Giang