Trong đó, bệnh nhân nam, 42 tuổi, quê ở Hà Giang, nhập viện với hội chứng não gan (tình trạng rối loạn não do suy gan quá nặng), ý thức chậm, ăn kém. Anh phát hiện bệnh viêm gan B từ năm 2006, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hai năm nay. Từ đầu tháng 11, anh bỏ thuốc do bác sĩ kê đơn vì không đến viện khám được, mua thuốc lá cây của người dân tộc về uống. Khoảng 15 ngày sau, anh mệt mỏi, đau bụng, bác sĩ bệnh viện tỉnh chẩn đoán viêm gan nặng, chuyển tuyến trên điều trị.
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 28/11 cho biết nam bệnh nhân có chỉ số men gan 157, cao gấp gần ba lần với giới hạn cho phép. Chỉ số bilirubin (sắc tố màu vàng, phản ánh tình trạng bệnh lý của gan) là 692, trong khi giới hạn bình thường chỉ nhỏ hơn 17, khiến da bệnh nhân vàng như nghệ. Chỉ số đông máu là 10, trong khi bình thường là 70-140, tức bệnh nhân có nguy cơ chảy máu rất cao. Sau khi lọc thay huyết tương ba lần, tri giác cải thiện, người bệnh tỉnh táo hơn song còn mệt mỏi nhiều, tiên lượng vẫn nặng.
Bệnh nhân này nhập viện, cùng 4 trường hợp khác điều trị ở khoa Cấp cứu trong hai tuần qua. Theo bác sĩ Hùng, họ đều có bệnh viêm gan B lâu năm, ở ngoại tỉnh hoặc ở vùng xa của Hà Nội, không đi khám thường xuyên vì lo ngại lây nhiễm Covid-19 dẫn đến hết thuốc, bỏ điều trị. Một vài người bệnh bị căng thẳng do mất việc trong đại dịch, phải ở nhà lâu, tìm đến rượu để giải tỏa khiến bệnh gan trở nặng. Một số cho rằng bệnh đã ổn định nên tự ý bỏ thuốc.
Gan được ví như "nhà máy sinh hóa khổng lồ" xử lý độc chất của cơ thể. Khi gan bị bệnh, virus sẽ phát triển gây tổn thương gan. Trong khi đó, bệnh viêm gan B chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc ức chế virus ở ngưỡng an toàn và cần điều trị trong thời gian dài. Vì vậy, bác sĩ Hùng khuyến cáo mọi người nên chủ động thông báo cho bác sĩ điều trị khi không thể tái khám, thiếu thuốc để được tư vấn, hướng dẫn từ xa. Nếu không có thuốc, bác sĩ có thể hướng dẫn các loại dược phẩm thay thế dễ tiếp cận hơn. Khi có điều kiện, người bệnh nên sắp xếp thời gian đi gặp bác sĩ trong thời gian sớm nhất để theo dõi và điều trị bệnh tốt hơn.
Bác sĩ cũng cảnh báo mọi người không nên sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, thuốc lá cây. Hiện chưa có bằng chứng khoa học cho thấy các loại thuốc này có tác dụng điều trị viêm gan B. Khi người bệnh bỏ thuốc do bác sĩ kê đơn, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, virus viêm gan B sẽ bùng phát gây suy gan, xơ gan, ung thư gan.
Chi Lê