"Tôi là Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books). Tôi có dự định ra ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII tại Thành phố Hà Nội", ông Bình tóm tắt ngắn gọn như vậy trong hồ sơ ứng cử của mình. Ông Bình là một trong số 30 người tự ứng cử trong kỳ này. Không sợ thất bại trong chặng đua tới chiếc ghế Quốc hội, ông Bình cho rằng: Điều căn bản là dám làm và dám đối diện với sự thắng thua. Chỉ khi ngồi vào chiếc ghế nóng này ông mới thực hiện được tham vọng đóng góp cho sự thay đổi và góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội hiện nay.
- Ông có ý tưởng tham gia vào nghị trường từ khi nào?
- Thật ra, mơ ước hồi nhỏ của tôi là trở thành Edison, để phát minh ra cái này, phát minh ra cái kia. Sau đó, tôi lại muốn trở thành một vị tướng ra trận. Nhưng môn học tôi yêu thích nhất lại là lịch sử. Thủa nhỏ, tôi mải mê đọc lịch sử Việt Nam và Trung Quốc rồi sau này, tôi nghiên cứu lịch sử Hy Lạp, La Mã cổ đại, rồi về lịch sử và thể chế của nước Anh, và đặc biệt là giai đoạn lập quốc của nước Mỹ. Tôi thấy những hoạt động cho xã hội và cộng đồng có sức lôi cuốn lớn đối với tôi nên dần dần muốn tìm hiểu các vấn đề liên quan đến chính trị.
Chủ tịch Alpha Book, ông Nguyễn Cảnh Bình là một trong 30 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nhật Minh |
Bối cảnh nền kinh tế và xã hội vài năm qua có nhiều khó khăn, thách thức mới. Thiên tai cũng ngày càng diễn biến phức tạp… Tôi nghĩ những người có ý tưởng và năng lực cần tham gia các hoạt động của đất nước, góp phần tìm ra giải pháp cho các khó khăn chung. Chẳng nên coi đó là việc của riêng người này hay người kia. Và việc tham gia nghị trường là kết quả của tất cả những suy nghĩ đó.
- Nếu trúng cử, ông sẽ làm việc gì đầu tiên?
- Tôi muốn được gặp một số đại biểu Quốc hội hiện nay và cả trước đây, những người có ảnh hưởng lớn, có kinh nghiệm để tìm hiểu thêm về hoạt động Quốc hội, về những thách thức, khó khăn được đặt ra và muốn nhận được từ họ lời khuyên… Tôi cũng muốn có cuộc gặp với giới trẻ, những doanh nhân và trí thức trẻ, những người có tư duy và năng lực hành động để trao đổi về các việc cần làm và các thách thức đặt ra. Để có một kế hoạch hành động tốt, hiệu quả và có tính thực thi, tôi cần sự tư vấn, cố vấn từ nhiều người…
Trong danh sách được thông qua ở hội nghị, Hà Nội giới thiệu 82 người ứng cử đại biểu Quốc hội (số lượng phân bổ là 60). Trong số này, 11 ứng viên do trung ương gửi về, 41 người do các cơ quan, tổ chức giới thiệu và 30 người tự ứng cử. Trong 41 ứng viên được giới thiệu, trình độ tiến sĩ có 10 người, thạc sĩ 13 và đại học 18; 7 người tái cử và có 37 đảng viên. Với 30 người tự ứng cử, nam có 25 người, nữ 5; 4 Đảng viên, 4 người công tác trong cơ quan nhà nước, 13 người công tác ở các doanh nghiệp. |
Tôi cũng nghiên cứu lại các tài liệu lập pháp và hoạt động Quốc hội của các quốc gia khác để tham khảo và lựa chọn những điều phù hợp nhất đối với Việt Nam. Dài hạn hơn, tôi muốn đề xuất Quốc hội xuất bản một "Tủ sách Lập pháp" bao gồm những cuốn sách về về lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn trong việc tổ chức Nhà nước, về thủ tục hoạt động nghị viện, về cơ sở và nền tảng của tổ chức chính quyền… Cuốn sách đầu tiên tôi muốn xuất bản là "Sổ tay Hoạt động nghị viện Hoa Kỳ" do chính Thomas Jefferson viết.
- Rất nhiều người khi ra ứng cử cũng đặt tham vọng sẽ cải cách, thay đổi và giải quyết các vấn đề bức xúc xã hội. Thế nhưng khi trúng cử rồi họ lại không làm được, nếu không muốn nói là họ thất hứa với cử tri. Vậy ông sẽ khác họ ở điểm nào?
- Có lẽ tôi cũng không khác họ mà chỉ có thời cuộc thì khác mà thôi. Khi hiểu về thực tiễn và khó khăn, tôi nhận thấy các thách thức đặt ra đối với chúng ta thực sự là rất lớn. Để các đại biểu Quốc hội thực thi được trách nhiệm và lời hứa của mình trước các cử tri thật sự là khó khăn. Khó khăn cả cho cơ quan hành pháp trong việc thực thi luật pháp khi đối mặt với nhiều vướng mắc về cơ chế, về con người và sự ủng hộ của người dân… Nhiều người nói, trở thành Đại biểu đã khó, nói được tiếng nói của người dân còn khó hơn nhiều và để thực thi được những gì họ hứa lại càng khó khăn hơn gấp bội.
Dường như các đại biểu Quốc hội không đủ thực quyền để thực hiện được những cam kết, hứa hẹn của mình. Đại biểu quốc hội không phải là cơ quan hành pháp, nhiệm vụ của họ mà chủ yếu vẫn là giám sát, đề xuất và thông qua dự Luật chứ không phải trực tiếp thực thi chúng. Các đại biểu cũng không có bộ máy giúp việc. Trừ những người đang tham gia điều hành các bộ ban ngành và có năng lực tổ chức, điều hành, còn lại tôi thấy nhiều đại biểu thiếu hẳn kinh nghiệm thực thi. Chưa hẳn là tất cả các đại biểu quốc hội đã điều hành, lãnh đạo tốt cơ quan, tổ chức của họ. Nếu họ chưa từng làm lãnh đạo, chưa từng giữ vị trí ở các cơ quan và tổ chức sẽ thì rất khó có thể đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để thực hiện các cam kết của mình. Các đại biểu cũng không thể xử lý đơn thư khiếu kiện của người dân bởi họ không có kiến thức và năng lực làm việc đó… Tôi hy vọng mình có thể không vấp phải thất bại đó.
- Thực tế, rất nhiều người tài, đủ năng lực cũng muốn tham gia ứng cử. Thế nhưng, tâm lý sợ thất bại, sợ dư luận vẫn đè nặng lên nhiều người có ý định tự nộp đơn. Ông đã vượt qua điều đó như thế nào?
- Tôi nghĩ khó khăn lớn nhất để trở thành đại biểu Quốc hội không phải là năng lực. Tôi thấy trong xã hội có rất nhiều người giỏi hơn và có năng lực hơn tôi, có nhiều ý tưởng hơn nhưng họ quá cẩn thận và có tâm lý sợ không thành công. Mặt khác, lại cũng có rất nhiều nhân vật tài năng, có tư duy và năng lực thực sự nhưng cũng không tham gia chính trường. Không phải vì họ sợ thất bại, mà họ thấy làm công việc khác hữu ích hơn, hiệu quả hơn.
Tôi vượt qua việc này không dễ dàng. Nhưng tôi nghĩ, mình cứ làm điều tốt, mong muốn điều tốt thì cũng chẳng phải quá lo lắng đến thế. Bạn sẽ sợ nhất khi phải đối mặt với chính mình chứ không phải dư luận. Ngoài ra, tôi nhận được một bài học mà đã đúc rút trong quá trình kinh doanh là: Trên đời này chẳng có gì chắc chắn cả. Nếu như bạn chỉ hành động khi mọi điều kiện, cơ hội đã chín muồi thì có thể bạn sẽ không làm được gì nhiều, bởi những thời khắc như thế rất hiếm và chắc còn xa lắm.
Ông Nguyễn Cảnh Bình kỳ vọng sẽ góp tiếng nói và giải pháp giúp cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Nhật Minh |
- Ông có nói một trong những việc ông sẽ làm nếu trúng cử là đề xuất các giải pháp giúp cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân? Tại sao vậy?
- Tôi nghĩ với trình độ nguồn nhân lực như của Việt Nam hiện nay, rồi với cơ chế chưa đồng bộ, sự bấp bênh bất ổn của các yếu tố vĩ mô và quốc tế, do tâm lý và thói quen, cách suy nghĩ có phần tiêu cực của người lao động, thì việc xây dựng và phát triển kinh tế tập đoàn ở Việt Nam sẽ thực sự khó khăn.
Hàn Quốc và Nhật Bản có thể làm được không phải vì họ có tiền, cũng không phải vì họ thông minh mà đặc tính kỷ luật, chịu khó và kỹ năng cao của hai dân tộc này chính là nền tảng vững chắc nhất cho việc xây dựng mô hình các tập đoàn và đảm bảo các tập đoàn có thể thành công… Có thể nhìn thấy rất rõ là các thành phố và đô thị của họ được tổ chức rất khoa học, người dân tuân thủ luật pháp và có tinh thần hợp tác, tinh thần cộng đồng tốt hơn chúng ta.
Người Việt Nam thiếu niềm tin lẫn nhau, hay nhảy việc, hay chọn công việc vì tiền lương, ít gắn bó và theo đuổi mục đích đến cùng. Văn hóa doanh nghiệp yếu và mờ nhạt, sự gắn kết và đoàn kết giữa các cá nhân, các tổ chức, các doanh nghiệp thành viên lỏng lẻo… Ngoài ra, hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ còn yếu như hiện nay khó có thể làm sự hỗ trợ cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các tập đoàn. Có thể so sánh tập đoàn kinh tế như các thành phố lớn, còn SMEs như các thị trấn, đô thị, vùng nông thôn ngoại ô. Một thành phố muốn vững chắc và thịnh vượng, cần có sự cung cấp lương thực, rau sạch, nhu yếu phẩm, nông sản, điện, nước… từ ngoại ô. Một thành phố không có một vùng miền, hệ thống thị trấn vệ tinh mạnh hỗ trợ… thành phố đấy khó phát triển lớn mạnh và bền vững.
Vì vậy, tôi nghĩ ý chí phát triển tập đoàn không hoàn toàn sai. Chúng ta cần có những công ty lớn để làm những nhiệm vụ lớn nhưng tham vọng đó là thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay, hoặc có thể thực thi được thì hiệu quả thấp và dễ đổ vỡ. Mỗi tập đoàn không chỉ cần một vài vị Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT mà cần hàng trăm giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng, lãnh đạo, rồi hàng ngàn quản lý cấp trung có năng lực, và lực lượng lao động có kỹ năng, có tổ chức và kỷ luật… Dường như điều đó nằm ngoài khả năng của chúng ta. Có lẽ cần 5-10 năm nữa hay lâu hơn, và tập trung thực sự mạnh cho giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chúng ta mới có thể đủ nhân sự cho việc phát triển các tập đoàn như mong muốn… Từ khi thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1944 đến khi có những binh đoàn, quân đoàn đầu tiên là những năm 1970, chúng ta cần tới 30 năm. Từ khi cải cách, mở cửa năm 1989 đến nay mới 20 năm, khó có thể đủ nhân lực có trình độ điều hành những tập đoàn lớn.
- Ông nói những kinh nghiệm trong điều hành quản lý doanh nghiệp có thể giúp Quốc hội phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc đề xuất và thực thi các giải pháp phù hợp hơn, hiệu quả hơn. Cụ thể là như thế nào?
- Tôi có xem nhiều phiên chất vấn Chính phủ của đại biểu Quốc hội. Nhiều chất vấn có chất lượng, nhưng cũng nhiều chất vấn ít có giá trị, không có tính khả thi, phi thực tế, hỏi chỉ để hỏi, chỉ để bắt bí các bộ trưởng hơn là cùng hướng đến các giải pháp. Tôi mong các hoạt động của Quốc hội sẽ phát triển hướng theo hướng cùng tìm giải pháp và hỗ trợ cho nhánh hành pháp.
Qua nhiều năm kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp, tôi nhận thấy nhiều ý tưởng bề ngoài có vẻ sáng tạo nhưng hầu như không có tính thực thi, không thể thực hiện được trên thực tế. Không phải sáng kiến nào tốt trên giấy cũng tốt trên thực tế. Khó có thể nói ngắn gọn mà có thể diễn tả được đề xuất mang tính thực thi như thế nào. Nhưng các doanh nghiệp đã sử dụng khá nhiều công cụ, mô hình để phân tích tính khả thi của dự án, phân tích hiệu quả của tổ chức. Và tôi hy vọng có thể áp dụng phần nào đó các nguyên tắc này vào lĩnh vực lập pháp… Tôi hiểu rằng, điều hành doanh nghiệp đã khó nhưng điều hành các bộ ngành hay điều hành một đất nước còn khó khăn gấp nhiều lần. Đó là thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo.
- Ông tham gia dịch thuật khá nhiều cuốn sách như "Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào", "Chân dung những nhà cải cách giáo dục tiêu biểu trên thế giới" và "Những anh hùng Hy Lạp cổ đại" rồi viết sách về Alexander Hamilton. Những hướng nghiên cứu của ông có vẻ không ăn nhập gì với công việc kinh doanh?
- Khoảng năm 2002, các vấn đề về giáo dục của Việt Nam bắt đầu đặt ra ngày càng cấp bách, tôi muốn tìm hiểu xem các quốc gia khác cải cách giáo dục như thế nào, có những nhà cải cách giao dục nào và họ đã làm gì. Ý tưởng này dẫn tôi tìm đến các bài viết về những nhà cải cách giáo dục, và tôi bắt đầu biết đến Fukuzawa Yukichi, hay Thái Nguyên Bồi. Rồi tôi cũng muốn tìm hiểu về cội nguồn của văn minh phương Tây, cội nguồn nền tảng của nước Mỹ, nước Anh…và ý tưởng đó dẫn tôi đến với nền văn minh Hy Lạp, La Mã cổ đại. Và tôi cùng vài người bạn dịch tác phẩm của Plutarch để hiểu về lịch sử các thành bang Athens, Sparta… vô cùng hấp dẫn. Còn Alexander Hamilton là chính trị gia có hình trên tờ 10 đôla Mỹ, ông là Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ, là kiến trúc sư của nền kinh tế và cả chính trị, ngoại giao Mỹ thời lập quốc. Một chính khách siêu phàm và đặc biệt lôi cuốn tôi.
- Gần đây, ông còn tham gia các hoạt động kinh doanh khác và tham gia lập CLB Những người khổng lồ bé nhỏ, tổ chức các buổi nói chuyện về văn hóa và các kỹ năng, tư duy khác doanh nghiệp, vậy mục đích của ông với việc này là gì?
- Một doanh nghiệp không thể tồn tại độc lập. Mỗi doanh nghiệp đều liên đến thị trường, đến khách hàng và cả những doanh nghiệp khác. Alpha Books cần có một cộng đồng các doanh nghiệp vừa và nhỏ vững mạnh, cần lượng độc giả có trình độ và tri thức. Vì thế, tôi muốn phát triển CLB Small Giants để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp nhỏ, mong muốn phát triển bền vững và ổn định. Ngoài lý do đó, tôi muốn cùng với các doanh nhân khác đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Tôi muốn các doanh nghiệp và giới trẻ hiểu rằng, sự phát triển thịnh vượng là nhờ sự hợp tác chứ không phải là sự chia rẽ.
- Người thân trong gia đình nói gì về việc ông đứng ra ứng cử?
- Từ nhiều năm nay, mọi người đã để tôi tự quyết định cuộc sống của mình. Cha mẹ tôi biết tôi sẽ quyết định và làm những điều phù hợp nhất, tốt nhất cho mình và cho người khác. Nhưng sâu xa, tôi tin rằng họ cũng lo lắng cho tôi, e ngại tôi sẽ bận rộn hơn, vất vả hơn, không có thời gian cho gia đình và còn nhiều thách thức áp lực khác nữa… Tôi nghĩ cha mẹ nào cũng mong cuộc sống của con cái tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn, an toàn hơn nhưng tôi cũng mong cuộc sống và môi trường sống của con tôi sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn và an toàn hơn. Vì thế, tôi cũng không quá đắn đo, băn khoăn. Việc cần làm thì phải làm, vậy thôi.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, sinh ngày 18/8/1972 trong dòng họ Nguyễn Cảnh có truyền thống ở Nghệ An. Ông đang theo học chương trình MBA, Đại học Công bang Delaware Mỹ tại Việt Nam. Năm 1989 - 1994 học Kỹ sư Hóa; Năm 1997 - 1999, ông học Thạc sĩ Hoá dầu; Đại học Bách khoa Hà Nội. Từ tháng 1/2005 làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sách Alpha. Đồng thời, từ cuối năm 2005 ông Bình làm Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2008 ông là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần In & Thương mại PRIMA. Giai đoạn 2006-2007, ông làm Tổng thư ký Quỹ dịch thuật Phan Chu Trinh, Uỷ viên Thường trực Ban dự án Tủ sách Tinh hoa Tri thức Thế giới.. Ông Bình tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa, dịch thuật và viết sách, báo và giảng dạy, nói chuyện tại nhiều trường đại học... |
Hồng Anh