Việt Nam nằm trong số 36 quốc gia có tỷ lệ trẻ thấp còi cao nhất thế giới. Tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì và mắc bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng cũng gia tăng (khoảng 4,8%). Bên cạnh đó, mặc dù đã có kế hoạch hành động quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 1996 - 2000 và chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2001 - 2010, nhưng tình trạng thiếu dinh dưỡng vẫn là vấn đề báo động bên cạnh tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng; thiếu máu dinh dưỡng cao; thiếu hụt vitamin D…
Cuộc khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á (viết tắt là SEANUTS) triển khai với quy mô trên 16.744 trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi tại Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Việt Nam từ 2010 đến 2012 thực hiện những đánh giá chuyên sâu trên diện rộng: đánh giá nhân trắc học, mức tiêu thụ dinh dưỡng từ khẩu phần ăn, hoạt động thể chất, khả năng nhận thức, xét nghiệm máu và chất lượng xương. Kết quả được British Journal của Anh đăng tải.
Trong đó, kết quả của Việt Nam cho thấy cứ 3 trẻ Việt Nam thì có 2 trẻ không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị của Bộ Y tế. Việt Nam đang chịu gánh nặng kép về tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em lứa tuổi học trò. Đó là tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến ở nông thôn, còn trẻ ở các thành phố lớn lại thừa dinh dưỡng, một tỷ lệ lớn trẻ béo phì. Nhóm trẻ độ tuổi đi học, tình trạng thấp còi có tỷ lệ cao hơn (với 15,6%), nhẹ cân chiếm 22,2%. Ở nhóm trẻ 6 - 11 tuổi, khoảng một nửa thiếu vitamin D.
Nghiên cứu SEANUTS cũng chỉ ra, trẻ từ 6 tháng đến 12 tuổi có tỷ lệ nhẹ cân (hoặc gầy) thấp hơn trẻ độ tuổi lớn hơn. Điều đó có thể do lượng trẻ độ tuổi cai sữa nhiều hơn, thức ăn không vệ sinh, nguồn nước và môi trường không đảm bảo.
Những khảo sát trong nước cũng từng chỉ ra, lúc mới sinh, trẻ em Việt Nam có thể trạng không thua kém so với chuẩn quốc tế. Nhưng do cách chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, sức khỏe và chiều cao của trẻ ngày càng kém đi. Các chuyên gia trong ngành dinh dưỡng chia sẻ, nhiều mẹ quan niệm chọn đồ ngon, đồ bổ là con sẽ cao lớn thông minh, nhưng dinh dưỡng hợp lý đến từ những bữa ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng và cách chế biến khoa học.
Kết quả SEANUTS cũng phản ánh thực trạng kéo theo từ những quan điểm sai lầm trên, khi đại đa số các mẹ Việt Nam đang nuôi con theo khẩu phần ăn truyền thống không đủ năng lượng, thiếu hụt đạm động vật, thiếu rau xanh, trái cây và chất béo. Từ đó khẩu phần của trẻ thiếu hụt những vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, B1, C, D… theo khuyến nghị của Bộ Y tế. Điều này gây nên tình trạng mất cân bằng về dinh dưỡng cho trẻ, điển hình là có nhiều trẻ béo phì nhưng lại thiếu vi chất dinh dưỡng.
Theo tiến sĩ Lê Nguyễn Bảo Khanh (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), dinh dưỡng bao gồm tất cả vitamin và một số khoáng chất mà cơ thể cần với một lượng rất ít, nhưng quan trọng. Chúng là chất xúc tác cần thiết giúp cơ thể sản xuất rất nhiều loại men, nội tiết tố và những hoạt chất cần thiết khác giúp cơ thể hoạt động và tăng trưởng. “Việc không đạt chế độ dinh dưỡng khuyến nghị về lâu dài sẽ đẩy trẻ đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, gây thấp còi, loãng xương, tăng nguy cơ mắc bệnh, giảm phát triển trí não, dễ bị tai biến sản khoa về sau...”, tiến sĩ Lê Nguyễn Bảo Khanh nói.
Phương Thảo