Ngày 16/6, thông tin được ông Đỗ Hữu Quỳnh cho biết, sau khi Hội đồng chấm thi vừa chấm xong môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 chuyên trường THPT Lê Quý Đôn. Trước đó, câu 1 nghị luận xã hội của đề này có giả định "nếu phải ở trong nước sôi" đã gây nhiều tranh cãi, có người cho là phản cảm.
Theo ông Quỳnh, quá trình chấm điểm, Hội đồng cũng đưa ra nhiều hướng và phương án khác nhau, mục đích là ghi nhận khả năng sáng tạo, năng lực của học sinh. Kết quả được các giám khảo đánh giá là "câu nghị luận xã hội (4 điểm) đạt yêu cầu khi thể hiện được sự phân hóa rõ từng học sinh". Bài làm của thí sinh thể hiện đa số hiểu và nắm được yêu cầu của đề, làm được bài.
Đợt này có 69 em tham gia thi môn Văn vào lớp 10 chuyên, lấy 35 chỉ tiêu. Tại câu 1 nghị luận xã hội (4 điểm) có 58 bài thi đạt 2 điểm trở lên; 30 bài thi trên 2,5 điểm; đạt điểm 3 có 17 học sinh. Ngoài ra, 11 học sinh đạt mức điểm 1-1,5.
"Kết quả điểm thi cho thấy số điểm đạt trung bình và trên mức này khá cao. Còn số học sinh khác vẫn hiểu đề, nhưng các lập luận hay cách viết của các em thể hiện chưa tốt", ông Quỳnh nói và cho biết tổng điểm môn Văn cao nhất là 7,75; thấp nhất là 1,75 điểm.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được tổ chức ngày 3 và 4/6, với hơn 13.400 học sinh sẽ tranh tài giành 10.948 chỉ tiêu của 23 trường THPT công lập. Đối với tuyển sinh vào lớp 10 chuyên trường THPT Lê Quý Đôn có 607 thí sinh tham dự.
Ở đề thi Văn, câu 1 nêu:
Trong cuốn sách "Ngắm tuổi trẻ quay cuồng trong tĩnh lặng", Lu-Mannup đã chia sẻ:
Phương Tây có câu ngạn ngữ: "Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng". Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của bạn tới đâu.
Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?
Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên.
Nội dung giả định "nếu phải ở trong nước sôi" bị cho là không phù hợp, gây cảm giác rùng rợn cho học sinh. Nếu muốn nói nước sôi với hàm ý ẩn dụ là hoàn cảnh, môi trường bên ngoài, đề bài cần để từ này trong dấu ngoặc kép. Ngoài ra, câu hỏi của đề cũng khá tối nghĩa, bởi "khoai tây mềm đi hay trứng cứng khi ở trong nước sôi" chưa hẳn là sự yếu đuối hay mạnh mẽ trước hoàn cảnh, mà là sự thay đổi theo bản chất vốn có.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng không nên nhìn nhận vấn đề quá nghiêm trọng, suy diễn từ ngữ theo nghĩa đen, làm mất tính chất của văn chương. Về mặt thông điệp, đề văn này hướng học sinh bàn về việc bản lĩnh con người trước nghịch cảnh.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh nhìn nhận đề thi có sơ suất về hình thức trình bày khi dùng các từ nước sôi, quả trứng, củ khoai tây trong phần giả định, nhưng không để trong ngoặc kép hoặc in nghiêng. Sở Giáo dục và Đào tạo sau đó đã họp với giáo viên chuyên môn trước dư luận về đề thi này để rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến, chấn chỉnh trong công tác ra đề để những đợt thi tới đảm bảo chất lượng và chặt chẽ hơn.
Xuân Ngọc