Tôi cũng quê Thái Bình, thế hệ 7X, đang làm việc tại Hà Nội, bố mẹ tôi ở quê nên thỉnh thoảng về thăm.
Đồng ruộng xã tôi là đất thịt nên rất khó canh tác. Mấy năm trước tôi về quê thấy nhà nhà cho con em đi học cơ khí, hầm mỏ rồi ra Hải Phòng, Quảng Ninh làm việc đóng tàu, vận tải, khai thác hầm mỏ. Sau vài năm thấy các gia đình có kinh tế ổn định.
Vài nhà khác có ít vốn, có sức khỏe, không được làm gì xa thì sắm máy cày, máy xát gạo để nhận cày bừa thuê, nhận xay xát cho các gia đình khác, tăng thêm thu nhập.
Kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp, không còn thu nhập như trước. Ảnh mình họa: Internet |
Nhưng năm nay về quê thấy không khí trầm hẳn, không còn cảnh nhà nhà cho con em đi học nghề kiếm việc như những năm trước. Nhiều lao động đi làm cơ khí, đóng tàu, khai thác mỏ ở Hải Phòng, Quảng Ninh cũng phải về quê vì mất việc, không còn thu nhập như trước. Thái Bình cũng có khu công nghiệp nhưng không nhiều và chủ yếu là may mặc nên thu hút lao động nữ là chủ yếu.
Một số gia đình có con em đi lao động Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) thì kinh tế cũng gọi là khá. Một số người lập nên tổ thợ lên Hà Nội hoặc đi Hải Phòng, Quảng Ninh làm nghề xây dựng, ngày công của của họ từ 60.000 đến 200.000 đồng tùy công việc.
Cũng có người lên Hà Nội làm nghề giúp việc tuy nhiên số lượng rất ít vì trên phố đâu phải nhà nào cũng có điều kiện mướn người giúp việc đâu.
Nói chung cuộc sống của người dân làm nông nghiệp nếu so với trước thấy đa số đã dễ thở hơn, chủ yếu là nhờ tiết kiệm, tích góp mà xây được nhà cửa, sắm được xe máy, con em nhiều nhà được đi học nghề, kiếm được việc khá hơn so với làm nghề nông.
Tuy nhiên chất lượng cuộc sống của đa số nông dân ở quê tôi nhìn chung mới chỉ ở mức không bị đói mà thôi.
>> Xem thêm: Người Việt còn nghèo vì ... không muốn giàu
Do Thi
Chia sẻ bài viết của bạn về đời sống nông dân tại đây.