Ngày 10/8, tại hội nghị về thi hành Luật Con nuôi trên địa bàn TP HCM, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp Nguyễn Văn Vũ cho biết, có đến 98,6% trường hợp trẻ em có sức khỏe bình thường được nhận làm con nuôi trong nước, trong khi 65% trẻ có nhu cầu đặc biệt (mắc bệnh hiểm nghèo, khuyết tật…) được người nước ngoài nhận chăm sóc.
Theo ông Vũ, TP HCM thực hiện đúng quy định "chỉ cho trẻ làm con nuôi ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế trong nước".
Nghĩa là, sau khi thông báo tìm gia đình cho trẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng, Sở Tư pháp sẽ ưu tiên giải quyết các trường hợp cư ngụ ở phường, xã (nơi trẻ sinh sống) xin về làm con nuôi. Nếu chưa có người nhận, Sở sẽ xem các trường hợp khác trên địa bàn TP HCM và phạm vi rộng cả nước. Cuối cùng, khi không còn trường hợp nào xin trẻ này Sở mới xem xét giải quyết cho người nước ngoài xin làm con nuôi.
"Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ người trong nước nhận con nuôi là trẻ có sức khỏe bình thường cao hơn trường hợp người nước ngoài nhận con nuôi", ông Vũ nói và phân tích thêm, cũng do tâm lý người Việt nhận con nuôi để làm thành viên trong gia đình nên thường chọn theo ý muốn, hợp tuổi… chứ không đơn thuần để chăm sóc trẻ.
"Rất ít, chỉ 1,4% người Việt xin con nuôi chấp nhận trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, bị bệnh tật để chăm sóc", ông cho biết.
Theo thống kê của Sở Tư pháp TP HCM, từ năm 2011 đến đầu năm nay có gần 1.260 trẻ em trên địa bàn được giải quyết thủ tục con nuôi cho người trong nước. Trong đó, 80,3% trẻ đang sống với gia đình, chỉ có 4,2 % trường hợp con nuôi là trẻ sống ở cơ sở nuôi dưỡng và số còn lại là trẻ bị bỏ rơi…
Ngược lại, trong số 677 trường hợp người nước ngoài làm thủ tục nhận con nuôi thì có đến 92% trẻ sống tại các trung tâm cơ sở nuôi dưỡng.
Ngọc Hậu