"Dữ liệu đã cho thấy sự thức tỉnh địa chính trị ở châu Âu", Mark Leonard, giám đốc Hội đồng Đối ngoại châu Âu (ECFR), nói. "Các quốc gia EU vốn được mô tả là chia rẽ, yếu kém và vắng bóng trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng công dân châu Âu đoàn kết: họ đồng tình rằng Vladimir Putin có thể theo đuổi hành động quân sự. Họ cũng cho rằng châu Âu cùng các đối tác NATO nên hỗ trợ Ukraine".
ECFR đã thực hiện khảo sát ở 7 quốc gia, chiếm 2/3 dân số của Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng một. Phần lớn người được khảo sát ở 6/7 quốc gia cho rằng Nga sẽ động binh với Ukraine trong năm nay, gồm Pháp và Italy 51%, Đức 52%, Thụy Điển 55%, Romania 64% và Ba Lan 73%. Phần Lan có tỷ lệ thấp nhất với 44%.
Đa số người dân ở 7 quốc gia đều xem NATO và 30 quốc gia thành viên là những người bảo vệ chính cho chủ quyền của Ukraine. Nhưng họ cũng thấy EU cần có trách nhiệm mạnh mẽ để bảo vệ Kiev nếu Moskva động binh.
Tại Phần Lan, 56% người được hỏi cảm thấy EU có vị thế tốt hơn để viện trợ cho Ukraine và 59% nghĩ là NATO. Tỷ lệ này ở các nước khác lần lượt là 53% và 55% ở Pháp, 47% và 50% ở Đức, 64% và 67% ở Italy, 80% và 79% ở Ba Lan, 57% và 63% tại Romania, 61% và 64% tại Thụy Điển.
Khảo sát cũng cho thấy nhiều người không tin tưởng nhiều vào Mỹ trong bảo vệ lợi ích của người dân châu Âu. 5/7 quốc gia, trừ Ba Lan và Romania, tin tưởng Đức hơn Mỹ. Ngay cả ở Ba Lan, NATO và EU cũng giành được nhiều niềm tim hơn Washington.
Người dân châu Âu cũng sẵn sàng chấp nhận các mối đe dọa lâu dài do bảo vệ Ukraine, như dòng người tị nạn lớn, chi phí năng lượng cao hơn, áp lực kinh tế, các cuộc tấn công mạng và nguy cơ Nga tiến hành hành động quân sự, theo nghiên cứu của ECFR.
Phần lớn người khảo sát ở Ba Lan, Romania và Thụy Điển nói rằng hỗ trợ Ukraine là nên làm dù phải chấp nhận những rủi ro. Tại Ba Lan, 53% số người được khảo sát chấp nhận rủi ro chính nước họ bị tấn công quân sự.
Tuy nhiên, công dân Pháp và Đức là những người ngần ngại gánh chịu hậu quả từ việc ủng hộ Ukraine, khi cho rằng cái giá phải trả có thể lớn hơn nhiều kết quả thu về.
Ngoài Thụy Điển, đa số người được thăm dò ở các quốc gia còn lại cho rằng phụ thuộc về năng lượng là thách thức lớn nhất đối với châu Âu khi đưa ra lập trường về căng thẳng Nga - Ukraine. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng ở Ba Lan với 77%.
Căng thẳng biên giới Nga - Ukraine gần đây tăng nhiệt, khi Moskva được cho là điều động hơn 100.000 quân cùng nhiều khí tài quân sự tới khu vực biên giới. Động thái khiến Mỹ và nhiều nước lo ngại Nga có thể tấn công Ukraine.
Moskva nhiều lần bác bỏ và khẳng định mọi động thái đều nhằm mục đích tự vệ, đồng thời yêu cầu phương Tây đáp ứng một loạt yêu cầu an ninh, trong đó có đề nghị NATO không mở rộng về phía đông.
Xem thêm:
-Thế trận của Nga quanh Ukraine
-Ba tháng khủng hoảng Nga - Ukraine tăng nhiệt
Thanh Tâm (Theo Guardian)