Nhiều người cho rằng tại sao ngay lúc đó em gái không hét toáng lên mà để hôm sau mới nhắn lại với chị? Tôi có thể trả lời rằng, họ chưa từng bị quấy rối nên mới có thể phát biểu như vậy. Tôi từng bị quấy rối tình dục, có thể khẳng định luôn là rất ít người có khả năng phản kháng ngay lúc ấy. Đó là những người già dặn và có nhiều kinh nghiệm sống; hoặc phải có tâm lý, tính cách rất mạnh mẽ. Còn đối với các cô gái trẻ, non kinh nghiệm sẽ sợ và hoảng đến cứng cả người lại, không dám cũng không biết làm gì vì sợ hãi và xấu hổ, giỏi lắm thì kịp bỏ chạy.
Chính vì nhiều người có thói victim-blaming (đổ lỗi cho nạn nhân kiểu "nó phải thế nào thì mới bị như thế") nên các cô gái rất sợ hãi và không dám lớn tiếng tố cáo ngay khi sự việc đang hoặc vừa xảy ra. Tâm lý của họ chưa sẵn sàng, sợ bị đánh giá. Thậm chí nhiều người lúc bị quấy rối thì não bộ gần như căng cứng đến mức dừng hoạt động, họ thậm chí không nhận thức được chuyện gì đang xảy ra. Sau này nghĩ lại họ mới biết lúc đó mình đã bị quấy rối. Vì thế cô em gái mãi đến hôm sau mới báo cho chị mình là chuyện rất bình thường. Tôi cho rằng cô ấy đã phải suy nghĩ rất lâu trước khi nói ra. Riêng việc chị vợ không đấm ngay cho anh chồng một phát để bảo vệ em gái mình cũng đủ hiểu sự phân vân của cô em gái là đúng. Người như vậy thì bảo em gái tin tưởng thế nào được?
>> Mọi người coi nhẹ việc tôi bị sếp quấy rối
Gửi chị vợ trong bài viết: "Đừng quên cha mẹ sống để đức cho con, chị cũng có con gái đấy, nên nghĩ đến tương lai cho con. Chị nghĩ đến những gì vừa xảy ra với em gái, lỡ sau này cũng xảy ra với con gái mình thì thế nào để hành động cho đúng". Còn những người chĩa mũi dùi qua cô em gái ngay cả khi thủ phạm đã thừa nhận hành vi phạm tội (tức cô em gái không hề vu khống) bảo sao nạn nhân chấp nhận im lặng, còn những kẻ đốn mạt vẫn dám tung hoành. Con gái không phải ai cũng đủ can đảm để thừa nhận việc mình bị quấy rối. Những người dám lên tiếng chỉ là một phần rất nhỏ. Như tôi cũng là một bình luận viên quen thuộc ở mục Tâm sự mà vẫn phải giấu tên khi gửi bài này, thay vì bình luận phía dưới bài chị vợ kia.
Khi nào xã hội vẫn còn quay qua đánh giá, bình phẩm những nạn nhân bị quấy rối, khi đó những người như chúng tôi vẫn gặm nhấm sự uất hận, ghê sợ trong câm lặng, ôm vết thương tâm lý trong nhiều năm. Thậm chí có người bị quấy rối khi còn nhỏ, mãi sau này vẫn căm ghét đàn ông, không thể vượt qua ác cảm đấy. Các bạn nghĩ mình nói vài câu vu vơ vô thưởng vô phạt, nhưng những nạn nhân như chúng tôi cũng lên mạng, đọc hết các bình luận đó. Thừa nhận trên mạng còn không dám, sao dám thừa nhận ngoài đời? Lúc tôi bị quấy rối chỉ là học sinh cấp hai, chắc chắn không ăn mặc hở hang và không câu dẫn ai cả. Vì thế đừng nghĩ nạn nhân chắc do ăn mặc thế nào hay làm gì nên mới bị vậy.
>> Bạn tôi từng bị cha dượng quấy rối nhiều lần
Khi có đàn ông thừa nhận bị phụ nữ quấy rối, nhiều người không tin. Ai cũng nghĩ đàn ông khỏe như vậy làm sao không chống lại được phụ nữ? Điều đó không đúng. Phản ứng khi bị quấy rối không phải vấn đề về sức mạnh, đó là vấn đề về tâm lý. Chưa kể áp lực về đánh giá của xã hội đối với nạn nhân nam còn khắt khe hơn với nạn nhân nữ nhiều, họ càng không dám để lộ ra.
Ở bài này tôi không muốn đi sâu vào vấn đề nam hay nữ, chỉ muốn nói các bạn đừng bao giờ hỏi một nạn nhân bị quấy rối rằng tại sao không phản kháng, rồi cho rằng nếu họ không giãy giụa, la lối, hò hét, đánh trả, thì tức là họ có gì khuất tất. Họ không có gì sai hết, chỉ là vào giây phút đó cú sốc tinh thần đã làm não bộ người bị quấy rối phản bội lại mà thôi. Không có ai đương nhiên đủ mạnh mẽ về tâm lý để xử lý tình huống như thế. Quấy rối là phạm tội, nạn nhân không có lỗi.
Hân
Độc giả gọi vào số 024 7300 8899 (máy lẻ 4529) trong giờ hành chính để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc