Đến 17h ngày 2/4, cả nước ghi nhận 222 ca dương tính với nCoV, trong đó 38 người nước ngoài (17%) và 184 người Việt (83%) bao gồm cả trong nước và nhập cảnh.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, số bệnh nhân ở độ tuổi 20 là 80 ca, chiếm tỷ lệ cao nhất, 40%, tiếp đó đến nhóm tuổi 30 và 40, gần bằng nhau ở mức hơn 15%. Điều này có thể giải thích bởi số ca nhiễm ở Việt Nam phần lớn từ nguồn bên ngoài vào. Các độ tuổi này rơi vào nhóm du học sinh, người lao động từ nước ngoài trở về, nhập cảnh.
Nhóm tuổi 10-19 cũng có phần lớn là du học sinh hoặc trẻ em từ nước ngoài theo cha mẹ về nước. Số trẻ bị lây nhiễm trong nước ít, có một ca lây gián tiếp từ bệnh nhân 34 ở Bình Thuận. Trẻ dưới 9 tuổi đều lây từ người trong gia đình. Kể từ sau Tết, hầu hết học sinh từ THCS trở xuống nghỉ học, đây có thể coi là yếu tố hạn chế sự lây lan ở lứa tuổi này. Chưa ghi nhận trẻ em nào bị lây bệnh từ môi trường học đường.
Nhóm người cao tuổi chỉ chiếm tổng tỷ lệ 10% số bệnh nhân, trong đó tuổi 60 có 17 ca (gần 8%), tuổi 70 có 4 ca (gần 2%) và tuổi 80 duy nhất một cụ bà bị nhiễm khi nằm viện Bạch Mai. Tuy nhiên có đến ba trong bốn ca nặng thuộc nhóm cao tuổi, gồm bác gái của bệnh nhân 17, 64 tuổi; hai bệnh nhân Anh 69 và 74 tuổi.
Để bảo vệ người cao tuổi, nhóm dễ tổn thương nhất nếu mắc Covid-19, Bộ Y tế và giới chức nhiều lần khuyến cáo hạn chế ra nơi công cộng, ở yên trong nhà. TP HCM hôm qua quyết định sẽ cử các y bác sĩ đến khám tại nhà hoặc đẩy mạnh tư vấn y tế từ xa cho các bệnh nhân cao tuổi.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, cho biết các bệnh nhân mắc Covid-19 trong giai đoạn 1 điều trị ở viện chủ yếu là người trẻ tuổi. Tuy nhiên sang đợt hai, bệnh nhân mắc Covid-19 đông hơn, nhiều lứa tuổi, có cả bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh nền.
Lê Cầm