Tuần trước, chứng khoán ghi nhận ba phiên tăng, hai phiên giảm, nhưng là những phiên giảm với biên độ lớn, còn tăng điểm trong trạng thái giằng co. Kết quả VN-Index dừng ở dưới ngưỡng 1.300 điểm, giảm gần 49 điểm (3,5%) so với tuần trước đó. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index chốt tuần có thêm 0,34%, trong khi UPCOM-Index giảm hơn 2%.
Các nhóm ngành như viễn thông, dầu khí, truyền thông đóng góp điểm số tuy nhiên cũng chỉ giúp lấy lại một phần số điểm bị giảm xuống từ nhiều ngành khác. Thị trường ghi nhận 3/19 ngành tăng điểm, chỉ có 130 cổ phiếu tăng so với 260 cổ phiếu giảm. Trong khi khối ngoại tích cực gom hàng, khối tự doanh bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trong ba phiên từ 13-15/7.
Diễn biến kém tích cực xuất phát từ tâm lý nhà đầu tư trên thị trường, trước diễn biến phức tạp của Covid-19 tại khu vực TP HCM và các tỉnh phía nam. Như phiên đầu tuần 12/7, VN-Index xác lập kỷ lục về mức giảm trong phiên cao nhất trong hơn hai thập kỷ hoạt động. Tuy nhiên, thị trường có phần cân bằng lại khi giữ sắc xanh hai phiên liên tiếp cuối tuần.
Theo các công ty chứng khoán, nhịp giằng co này có thể là chỉ báo cho thấy thị trường đang dần tìm được điểm cân bằng. Tuần này, chứng khoán được dự báo có thể rung lắc trong những phiên đầu tuần nhưng có khả năng phục hồi ngắn hạn sau đó.
"Thị trường có thể còn trải qua nhịp rung lắc vào đầu tuần 19-23/7 nhưng nếu bảo vệ thành công vùng hỗ trợ gần quanh 1.285 điểm, cơ hội mở rộng nhịp hồi phục ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế", báo cáo của Công ty chứng khoán KB Việt Nam cho biết.
Tương tự, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) BSI đánh giá, VN-Index có thể chứng kiến sự điều chỉnh vào đầu tuần nhưng sau đó tiềm năng sẽ xuất hiện sự hồi phục. Dự kiến, chỉ số có thể dao động trong khoảng 1.270-1.350 điểm.
Một số thành viên thị trường cũng khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc giải ngân. VCBS đánh giá VN-Index đang duy trì đà tăng khá tốt sau nhiều lần kiểm tra thành công vùng hỗ trợ 1.270 điểm. Dưới góc nhìn kỹ thuật, một số chỉ báo động lượng đã chững lại đà giảm khi tiệm cận vùng quá bán. Điều này có thể kích hoạt nhịp hồi phục trong một vài phiên tới.
Nhóm phân tích cho rằng nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt thu hút được dòng tiền trong giai đoạn này cho chiến lược "lướt sóng" ngắn hạn, trong đó đáng chú ý là các cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Cùng quan điểm, MBS nhận định, sau nhịp giảm mạnh 155 điểm, tương đương mức giảm gần 11%, thị trường đã tìm được vùng hỗ trợ bởi MA100, biên độ hẹp lại trong khi thanh khoản giảm cho thấy áp lực bán giảm và thị trường có thể đã tìm được vùng đáy ngắn hạn. "Do vậy, nhà đầu tư có thể giải ngân từng phần với ngưỡng hỗ trợ MA100 và kháng cự MA50", MBS khuyến nghị.
Tuy nhiên, những dự báo này hầu hết được đưa ra sau phiên cuối tuần trước (16/7), và chưa tính tới những diễn biến mới của Covid-19.
Tại Hà Nội, chiều hôm qua (18/7), UBND thành phố đã ban hành công điện số 15 về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch trong bối cảnh cả nước ghi nhận hơn 50.000 ca Covid-19, riêng Hà Nội 42 ca trong ngày. Trong khi đó, hàng loạt tỉnh thành phía Nam cũng vừa phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để chống lại diễn biến phức tạp của đại dịch.
Một số chuyên gia cho rằng, những diễn biến mới có thể ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Nhịp giảm mạnh gần đây của thị trường có một phần nguyên nhân do lo ngại diễn biến phức tạp của Covid-19 và ảnh hưởng của đại dịch tới kinh tế.
Hiện ngưỡng hỗ trợ của VN-Index được dự báo trong khoảng 1.250-1.270 điểm, nếu mất mốc này, thị trường có thể lùi về vùng 1.200 điểm.
Minh Sơn