Tại hội nghị tổng kết chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập thành phố Hà Nội ngày 4/11, bà Ngô Thị Thu Hương (trưởng phòng Y tế quận Hoàn Kiếm) đã nêu ra những bất cập trong công tác quản lý cửa hiệu thuốc Đông y tại phố Lãn Ông.
Theo bà Hương, nhiều cơ sở Đông y trên phố Lãn Ông không đủ tiêu chuẩn để được cấp phép theo quy định mới của luật dược. “Phường, quận đã có kiến nghị với sở Y tế để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo quyền kinh doanh cho các cơ sở y học cổ truyền nói trên”, bà Hương cho hay.
Trưởng phòng Y tế Hoàn Kiếm cho rằng, thời gian cấp phép hiện nay quá lâu, hồ sơ đầy đủ, không có vướng mắc cũng phải mất ít nhất 5 tháng. Nếu thiếu, chưa đầy đủ có khi kéo dài cả năm, khiến người kinh doanh rất khó khăn.
Người đứng đầu ngành y tế Hoàn Kiếm bày tỏ băn khoăn khi thiếu các quy định trong công tác quản lý cửa hiệu thuốc Đông y. Qua kiểm tra, hầu hết dược liệu ở phố Lãn Ông được nhập từ Ninh Hiệp trong khi chỉ 20% cơ sở kinh doanh ở làng dược liệu này có giấp phép kinh doanh.
Không gặp khó khăn trong quản lý các cửa hiệu thuốc Đông y như quận Hoàn Kiếm, nhưng quận Hai Bà Trưng lại phải chịu sự quá tải của các cơ sở y tế khi có đến gần 600 cơ sở hoạt động trên địa bàn quận.
Đến 31/12/2013, trên địa bàn Hà Nội có 13 cơ sở khám chữa bệnh có yếu tố nước ngoài đã được cấp phép hoạt động. Trong đó 4 bệnh viện, 3 phòng khám đa khoa, 3 phòng khám chuyên khoa, 3 phòng chẩn trị Y học cổ truyền. Các bác sỹ nước ngoài đến từ nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ucraina, Nga, Canada, Nhật Bản.... |
Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng, ông Cáp Sỹ Phong cho rằng, với số lượng lớn các cơ sở y tế, nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân đã được phục vụ tốt. Tuy nhiên, điều đó cũng khiến trách nhiệm quản lý rất nặng nề.
Lãnh đạo quận Hai Bà Trưng cho hay, rút kinh nghiệm từ vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, quận đã phân công trách nhiệm rõ ràng, khi phát hiện sai phạm xử lý rất nghiêm. Qua kiểm tra cho thấy, sai phạm của các cơ sở chủ yếu liên quan đến việc thực hiện không nghiêm túc các quy định, kinh doanh trái phép, quá phép; chủ cơ sở toàn giáo sư tiến sĩ đăng ký tên nhưng kiểm tra hầu như không có mặt…
Phó Chủ tịch Hai Bà Trưng cũng cho rằng, các thủ tục hành chính, công tác cấp phép, chứng chỉ hành nghề còn hạn chế. Ông Phong dẫn chứng, việc cấp chứng chỉ hành nghề y mất 60 ngày, cấp phép hoạt động hành nghề cơ sở mất 90 ngày.
Ông Phong đề xuất: “Các cơ sở mất tiền thuê nhà, đầu tư từ trước, không thể chờ được cấp phép mới hoạt động, nếu không đẩy nhanh việc cấp phép, nên phân cấp phân quyền cho quận huyện để giảm tải bớt thì khó tránh khỏi tiêu cực, bắt buộc người kinh doanh phải vi phạm”.
Trước các ý kiến nêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu cần khắc phục ngay một số tồn tại, đặc biệt là việc cấp phép.
“Sở Y tế chủ trì cùng sở Kế hoạch đầu tư và các ngành liên quan phải xây dựng lại lộ trình cấp phép, giảm tối thiểu 2/3 thời gian cấp phép như hiện nay để không xảy ra tiêu cực được nữa”, bà Ngọc chỉ đạo.
Về quản lý các hiệu thuốc Đông y, bà Phó Chủ tịch đề nghị Sở Y tế tham mưu báo cáo Bộ Y tế hoặc thành phố phương án quản lý các sản phẩm mới trong ngành dược mà chưa có trong quy định.
Bà Phó Chủ tịch yêu cầu: “Ngành Y tế nghiên cứu ra quy định quản lý tạm thời trong khi chờ Bộ Y tế có chỉ đạo. Trước mắt phải siết chặt quản lý chợ thuốc Ninh Hiệp, phố thuốc Lãn Ông…”.
9 tháng đầu năm 2014, thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 6.883 lượt cơ sở. Xử lý vi phạm hành chính đối với hơn 1.000 cơ sở, tổng số tiền phạt gần 7 tỷ đồng. Đình chỉ hành nghề không phép 1 cá nhân và 110 cơ sở (gồm 29 cơ sở khám chữa bệnh, 78 kinh doanh thuốc, 2 dịch vụ y tế, 1 y học cổ truyền).
Đoàn kiểm tra liên ngành đã thực hiện việc kiểm tra, hậu kiểm 86 cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập (trong đó 30 cơ sở khám chữa bệnh, 56 cơ sở kinh doanh dược phẩm). Kết quả là sở Y tế đã đình chỉ của 2 cơ sở hoạt động không có giấy phép; thu hồi giấy phép của 2 phòng khám; tạm đình chỉ 8 phòng khám; Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc đối với 11 cơ sở kinh doanh dược phẩm, bao gồm 6 công ty kinh doanh dược phẩm, 3 nhà thuốc, 2 quầy thuốc.
Theo Sở Y tế Hà Nội, đến ngày 25/10, hệ thống y tế ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội có 2.485 cơ sở hành nghề khám chữa bệnh. Trong đó có 26 bệnh viện, 118 phòng khám đa khoa, 1.185 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế, 456 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Ngoài ra còn 4.973 cơ sở kinh doanh thuốc. |
Võ Hải