Hà Linh -
- Nhiều người nhận xét, năm 2008, không khí làng văn Việt Nam khá trầm lắng và ảm đạm. Chị nghĩ sao?
- Mọi thứ ảm đạm chứ riêng gì văn chương. Chúng tôi thường nói với nhau rằng sao vẫn chừng ấy người, chừng ấy của cải, chừng ấy tiềm năng mà đùng một cái mọi thứ như sụp đổ vậy?
Tôi không có thời gian hay điều kiện để đọc các cuốn của Y Ban hay của Trần Nhã Thuỵ, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Đình Tú... nhưng Tiểu thuyết đàn bà của Lý Lan rất đáng đọc, đáng ghi nhận. Cuốn Thơ của Trần Dần và giải thưởng cho nó nữa. Một đời thơ của người cách tân thơ sớm nhất và nhất quán nhất đã được Hội nhà văn Hà Nội tôn vinh. Nhưng tôi không chỉ thấy không khí trầm lắng và ảm đạm mà thấy cả hơi hướng thiếu lành mạnh trong phê bình như là để choảng nhau chơi. Văn học xứ mình nhiều năm trầm cảm chứ riêng gì năm qua.
- Trong bối cảnh chung đó của văn đàn, theo chị, đâu là những tín hiệu mang đến hy vọng?
- Tôi hy vọng vào lớp trẻ. Người già cuối cùng cũng chỉ dám giãi bày như Nguyễn Khải là cùng. Sẽ có lúc các bạn trẻ được thả sức viết như mình nghĩ và sẽ có những nhà xuất bản dám đồng hành với họ. Nhất định sẽ là như vậy.
Nhà văn Dạ Ngân. Ảnh: B.D. |
- Chị nghĩ sao trước nhận xét, văn học Việt Nam chưa có tự truyện đúng nghĩa mà chỉ có những thứ giống như tự truyện?
- Tôi có theo dõi loạt bài lý luận về đề tài đó. Việt Nam chưa có nhiều thứ chứ đâu chỉ chưa có thể loại văn học tự truyện. Văn học viễn tưởng có chưa? Lý luận sáng tác của chính mình có chưa? Và trong thể tự truyện, các nhà văn ta hay lười sáng tạo, chỉ thích hồi ký cho dễ. Bởi viết như Người tình của M. Duras công phu lắm, tài năng lắm, khó lắm.
- Thói quen viết của nhà văn và thói quen đọc của độc giả có ảnh hưởng gì đến sự phát triển yếu ớt của thể loại văn học này ở Việt Nam?
- Do nhà văn nhiều hơn. Họ viết sao độc giả đọc vậy, bởi đòi thì có ai cho đâu. Viết như Lê Vân yêu và sống có văn, có vật liệu nhưng vẫn ít chất văn học. Mặt khác, nhà văn mình viết cuốn nào cũng như tự truyện cả, bởi họ chỉ viết hay với những điều họ trải nghiệm thôi. Nhưng tại sao Nỗi buồn chiến tranh - tiểu thuyết gần với tiểu thuyết tự truyện - của Bảo Ninh thành công mà những cây bút lính khác lại không viết hay như vậy? Tóm lại, vấn đề là do tài năng chứ không do quan niệm hay do độc giả của ta chưa mặn với tự truyện.
- Năm 2008 là một năm như thế nào với cá nhân chị?
- Là năm ngổn ngang đại sự: Đi Mỹ 10 ngày cùng với 9 anh chị em của làng báo; chuyển nhà vào TP HCM để kịp đón cháu ngoại từ Cần Thơ lên học hè; làm thủ tục về hưu; xoay xở cho căn hộ ở Sài Gòn... Hai vợ chồng tôi đã không còn trẻ trung gì với việc xê dịch và "nhập cư" vào Sài Gòn trong khi tuần nào cũng phải viết báo để phụ với lương hưu trong thời bão giá. Gian nan nhất vẫn là chuyện "mang xách" Nguyễn Quang Thân vào Nam bởi, như một triết gia từng nói "Con người là thứ đồ vật khó mang xách nhất".
Dạ Ngân (đứng) trong chuyến về thăm căn cứ Phụng Hiệp vào cuối năm 2008. Ảnh nhà văn cung cấp. |
- Tại sao vợ chồng chị lại chuyển vào Nam sinh sống sau hơn 15 năm chị gắn bó với Hà Nội?
- Đơn giản vì mình xa quê, xa con cháu đã 15 năm, về hưu rồi thì "quay đầu về núi" chứ. Hơn nữa, căn hộ ở bán đảo Thanh Đa quá lý tưởng về mặt khí hậu, mừng là anh Thân rất thích. Tôi đã nín thở để xem anh ấy "phụng phịu" bao lâu nhưng may quá, nhờ sông nước bao quanh sạch và yên tĩnh nên anh ấy đã "chịu phép" rồi.
- Một cái Tết bình thường của gia đình nhà văn Dạ Ngân diễn ra như thế nào?
- Luôn luôn không bình thường vì anh Thân là tộc trưởng, đích tôn nên phải ôm bàn thờ. Rất nhiều việc lích kích cho cúng kiến, họp mặt, khách khứa, thăm hỏi. May là tôi giỏi nội tướng.
Tết ở Hà Nội rườm rà thủ tục hơn, đi gửi quà cho các trưởng lão, ở nhà để tiếp quà và tiếp bà con em cháu đến thắp nhang bàn thờ chính nhà mình. Năm đầu tiên ở Sài Gòn cũng vui như vậy. Có thêm một người bạn Pháp sang ở trong nhà để thử ăn Tết của người Việt nữa. Khách khứa, bếp núc, nữ công gia chánh luôn chiếm phân nửa thời gian của tôi. Mọi việc phải được khởi động ngay sau bữa tiễn ông Táo. Làm dưa kiệu, làm nem để vào ngăn đá, tôi có món "dưa tai heo" trứ danh lắm đó. Luôn phải có món Bắc và món Nam cho từng nhóm khách. Năm nay sẽ kéo lên Bình Phước, nơi có "xóm Hương Sơn" của anh Thân trên đó để gói bánh chưng, mổ heo và đốt lửa trại. Mệt nhưng vui mà vẫn tiết kiệm, như phương châm sống bấy nay của chúng tôi.
- Dự định viết lách của chị trong năm mới?
- Do tiêu chuẩn sống khá cao của đất Sài Gòn, tôi phải viết báo thường xuyên nên có lẽ thể loại "tản văn" sẽ phát triển. Cũng như Nguyễn Ngọc Tư lấy tản văn nuôi truyện ngắn và tiểu thuyết vậy thôi. Chắc chắn sẽ in một tập 100 tản văn nữa và cũng chắc chắn sẽ để dở dang tiểu thuyết đã xong "nước một" trong hộc bàn. Cố tật của tôi là khi quay lại với cái gì chưa xong thì coi như bắt đầu lại hết. Nhưng một khi mọi thứ đã ở bên trong mình thì "cơm chưa nấu gạo vẫn còn", sớm muộn gì cũng xong. Hy vọng sẽ như vậy.
Hà Linh thực hiện