Tại TP Đà Nẵng, khu ký túc xá phía tây ở quận Liên Chiểu, nơi cách ly F1 từ đợt dịch hồi tháng 7/2020 đến nay, được chọn làm bệnh viên dã chiến. Khu này có nhiều thuận lợi do các block đều có sảnh tiếp nhận bệnh nhân, phòng ốc riêng biệt, các bock cách xa nhau, không gian thoáng đãng.
Hôm nay, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đã dọn dẹp phòng ốc để bàn giao. "Do số F1 ở khu cách ly này đang còn đông nên chúng tôi sẽ sắp xếp gọn lại, khử khuẩn và bàn giao từng block để Sở Y tế thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân", ông Trần Viết Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu nói.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết bệnh viện dã chiến ở khu ký túc xá có thể đáp ứng được 1.700 giường bệnh, các trang thiết bị đang được lắp đặt và bắt đầu nhận bệnh từ ngày mai (21/7). "Chúng tôi huy động toàn ngành, từ con người đến cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để tập trung chăm sóc, điều trị khi có bệnh nhân", Giám đốc Sở Y tế nói.
Hiện, các bệnh viện ở Đà Nẵng đã lên danh sách nhân viên y tế sẵn sàng nhận nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến. Số lượng bác sĩ, nhân viên y tế được bố trí tùy thuộc vào số bệnh nhân.
Khi điều trị bệnh nhân Covid-19, khu ký túc xá sẽ không tiếp nhận cách ly F1. Hiện thành phố đã giao cho 7 quận, huyện thiết lập các khu cách ly tập trung khác, quy mô 1.000 chỗ/đơn vị. Riêng quận Ngũ Hành Sơn được thành phố giao thí điểm cách ly F1 tại nhà hoặc cơ sở lưu trú.
Tại Thừa Thiên Huế, hôm nay ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch tỉnh, đã quyết định chuyển trạng thái Bệnh viện Phong - Da liễu ở phường Hương Sơ (TP Huế) và Bệnh viện Chân Mây ở xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc) thành hai bệnh viện dã chiến tiếp nhận điều trị các ca Covid-19.
Bệnh viện Dã chiến Hương Sơ quy mô 100 giường, Bệnh viện Dã chiến Chân Mây quy mô 150 giường. Hai nơi này điều trị bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng, mức độ nhẹ hoặc vừa. Ngoài ra, Bệnh viện Hương Sơ có thể thu dung và điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng (viêm phổi nặng) khi có sự hỗ trợ về chuyên môn, trang thiết bị y tế đảm bảo theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bệnh viện dã chiến gồm các khu vực điều hành, hành chính; tiếp đón và phân loại bệnh; chẩn đoán hình ảnh; xét nghiệm; hồi sức cấp cứu; điều trị; khu cách ly chờ ra viện; khu dược, cấp phát thuốc và vật tư, hóa chất; khu nghỉ ngơi cho người phục vụ; khu chống nhiễm khuẩn; xử lý chất thải...
Ông Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế, cho biết nguồn nhân lực của hai bệnh viện dã chiến sẽ huy động toàn bộ y, bác sĩ của Bệnh viện Chân Mây và Bệnh viện Phong - Da liễu hiện có. Ngành y tế đang lên danh sách bác sĩ, điều dưỡng để có thể điều động thêm khi cần thiết.
"Các trang thiết bị y tế hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 cũng đang được chúng tôi chuẩn bị để sẵn sàng chuyển đến", ông Hảo nói và cho biết lý do tỉnh lập thêm bệnh viện dã chiến để phòng trường hợp ca Covid-19 tăng khi địa phương đón người từ TP HCM trở về.
Từ ngày 2/5 đến nay, Thừa Thiên Huế ghi nhận 11 ca Covid-19; Đà Nẵng 472 ca. Hai địa phương đang thực hiện giãn cách tại một số phường, xã. Đà Nẵng dừng nhiều hoạt động không thiết yếu, cấm tắm biển; Huế cấm tắm ở sông Hương để hạn chế tập trung đông người, giảm bớt nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hai địa phương đã lên kế hoạch giải cứu người dân mắc kẹt tại TP HCM, chia làm nhiều đợt. Trong đó, ngày 21/7 Đà Nẵng đón hơn 600 người trên 3 chuyến bay. Còn Thừa Thiên Huế từ ngày 20 đến 25/7 đón khoảng 300 người từ TP HCM trở về bằng tàu hỏa. Kinh phí vận chuyển, xét nghiệm, cách ly tập trung đợt đầu được miễn phí.
Nguyễn Đông - Võ Thạnh