Các đại biểu thống nhất đồ án do liên danh Công ty Sakae Corporate và Công ty Surbana Jurong (Singapore) tư vấn là quy hoạch chung, nội dung cụ thể sẽ được thể hiện khi lập đề án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết tầm nhìn của đồ án là hướng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, có bản sắc và phát triển bền vững; trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á...
Ngoài mục tiêu trở thành thành phố cảng, đô thị biển quốc tế, công nghiệp công nghệ cao, logistics, Đà Nẵng được quy hoạch để trở thành một phần của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; một cổng vào của hành lang kinh tế Đông - Tây; mạng lưới thành phố thông minh ASEAN...
Giai đoạn 2021-2030, thành phố cần đạt tốc độ tăng bình quân GRDP 10-10,5% một năm. Dự báo dân số đến năm 2030 Đà Nẵng có khoảng 1,79 triệu người và GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.500 USD.
Trưởng ban Đô thị HĐND Nguyễn Thành Tiến đánh giá đồ án điều chỉnh quy hoạch mới có nhiều đề xuất đột phá, như mô hình đô thị nén, đô thị đại học, đô thị sườn đồi, cảng biển. Ngoài ra, còn có các khu chức năng mới như khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu đổi mới sáng tạo...
Tham gia ý kiến trước khi biểu quyết, đại biểu Trần Đình Hồng, huyện Hòa Vang cho rằng cần giải trình thêm về quy mô dân số, vì trước đây tại Quyết định 393 của Thủ tướng về điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã nêu số dân là 2,5 triệu, còn trong quy hoach mới là 1,79 triệu.
Để thực hiện Đồ án quy hoạch chung này, Đà Nẵng cần gần 300.000 tỷ đồng chủ yếu để hoàn thiện các dự án đã phê duyệt và chưa hoàn chỉnh, tái thiết đô thị khu vực trung tâm; hoàn thành và đưa vào sử dụng cảng Liên Chiểu, ga đường sắt tốc độ cao, di dời ga đường sắt, công trình vượt sông Hàn...
Đại biểu Nguyễn Đức Trị nói đây là nguồn vốn rất lớn cho đồ án, trong khi kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Việc điều chỉnh quy hoạch cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều tập đoàn, doanh nghiệp. Do đó, thành phố cần giải trình và làm rõ thêm.
Nhiều đại biểu đề nghị thành phố cần quy hoạch sử dụng đất phù hợp với Luật Đất đai để tránh hệ luỵ; ban hành thêm nghị quyết hoặc những quy định chặt chẽ để tránh sai lầm khi thực hiện quy hoạch; cần giải quyết triệt để những bất cập về hạ tầng đô thị như an ninh nguồn nước, rác thải, kẹt xe...
Đồ án sẽ được Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt. Trước kỳ họp lần này, chính quyền thành phố đã công khai lấy ý kiến nhân dân về đồ án điều chỉnh quy hoạch này.