Giữa trời nắng 40 độ của mùa hè, ông Tống Phước Hiệp (63 tuổi, trú quận Thanh Khê) than phiền vì đi trên vỉa hè một vệt gần 500 mét trên đường Hùng Vương để xuống chợ Cồn (quận Hải Châu), nhưng không có một bóng cây xanh. "Ra đường những ngày này chỉ có nắng và bụi", ông nói.
Tình trạng thiếu cây xanh cũng diễn ra ở nhiều tuyến đường trung tâm như Lê Độ, Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương...
Nhiều người dân Đà Nẵng thấy ngột ngạt không chỉ vì đường phố thiếu cây xanh, mà còn do trên địa bàn không có nhiều công viên. Công viên 29/3 lớn nhất thành phố, diện tích chỉ hơn 10 ha (đa số là diện tích mặt hồ), công viên Thanh niên khoảng 6-7 ha; còn lại chủ yếu là công viên vườn dạo nhỏ trong các khu dân cư và mới được đầu tư thời gian gần đây.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, năm 2010, diện tích cây xanh đô thị của thành phố chỉ đạt hơn 5 m2/người. Năm 2015, con số này là 7,32m2/người. Và đến năm 2019 thành phố có hơn 1,134 triệu dân nhưng chỉ số cây xanh cũng dừng ở mức khá khiêm tốn, 7,51 m2/người. Nhưng đây là cách tính bao gồm cả phần tán lá của cây xanh bóng mát trên đường phố, diện tích phủ đất của thảm hoa, thảm cỏ và một nửa diện tích mặt nước đô thị để làm số liệu cho đề án "xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường".
Trong khi đó, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố được UBND thành phố trình Bộ Xây dựng thẩm định, đến năm 2030 tổng diện tích đất xây dựng đô thị của Đà Nẵng dự kiến là 32.227 ha, phân bổ cho dân số 1,56 triệu người. Trong đó, đất cây xanh đô thị phải đạt 9,6 m2/người.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Võ Tấn Hà cho biết, theo tiêu chuẩn trình Bộ Xây dựng, diện tích đất dành cho cây xanh đô thị tại Đà Nẵng hiện bình quân khoảng 4,56 m2/người, mới đáp ứng được một nửa. Số liệu này chênh lệch so với đề án nêu trên của Đà nẵng, vì theo quy định không tính cây xanh đường phố vào diện tích cây xanh đô thị.
Ông Nguyễn Thành Tiến - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng, nhận định diện tích cây xanh của thành phố "dù tính theo cách nào cũng đang thiếu so với yêu cầu phát triển của đô thị, đặc biệt Đà Nẵng là đô thị loại 1 và mục tiêu xây dựng thành phố môi trường"..
Ngoài ra, theo ông Tiến, cây xanh đô thị ở Đà Nẵng phân bổ không đều. Nhiều khu vực trung tâm đang thiếu cây xanh bóng mát, vườn dạo, công viên, thảm cỏ. "Việc quy hoạch, quản lý, cắt tỉa cây xanh cũng chưa tốt. Những năm qua các sở, ngành vẫn chưa đưa ra được chiến lược phát triển rõ ràng về lĩnh vực cây xanh đô thị", ông Tiến nói.
Công ty công viên, cây xanh Đà Nẵng (thuộc Sở Xây dựng) đang chăm sóc 65.000 cây xanh bóng mát các loại trên hơn 250 tuyến đường và 80 vị trí cảnh quan, vườn dạo, đài tưởng niệm, quảng trường; gần 700.000 m2 thảm cỏ, thảm hoa, rào cảnh và hơn 27.170 cây cảnh.
Trong đó, riêng cây xanh bóng mát trồng trên những con đường rộng từ 7,5m có khoảng 120 loài. Thực tế này khiến cây xanh trên nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng không đồng nhất về loài hay hình khối cảnh quan. Đơn cử, trên đại lộ Nguyễn Tất Thành dừa được trồng xen lẫn với bàng, phượng; trên dải phân cách nhiều đoạn còn trồng hoa trúc đào (chứa nhiều hợp chất có độc và nằm trong danh mục khuyến cáo không trồng nơi công cộng).
Nguyên nhân thiếu cây xanh đô thị được cơ quan chức năng đưa ra thành phố thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão nên phải cắt tỉa; khi bão đổ bộ đã khiến nhiều cây xanh bị gãy, đổ. Thêm vào đó, phần đất dành cho rễ cây phát triển bị hạn chế do hạ tầng phía dưới như mương thoát nước, ống cấp nước, cáp quang, cáp điện...
Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, nguyên Trưởng ban quy hoạch thành phố Đà Nẵng, cho rằng nguyên nhân chính của việc thiếu cây xanh đô thị là vấn đề quy hoạch. Một dự án đô thị khi vẽ để xin cơ quan chức năng thẩm định đều có diện tích khu công viên, vườn hoa,... Nhưng khi có quy hoạch tổng thể trong tay, chủ đầu tư bắt đầu phân lô, bán nền.
"Một mét vuông có giá từ 50 đến 100 triệu đồng nên diện tích trồng cây xanh bị cắt đổi cho lợi nhuận bán đất. Việc quản lý quy hoạch dường như đã bị lờ đi", ông Diệm nói và cho biết thiếu cây xanh còn đến từ các nguyên nhân khác như chọn cây và kỹ thuật trồng chưa phù hợp; nhiều tuyến đường bê tông hoá không chừa đất cho cây.
Tuy nhiên, ông Võ Tấn Hà cho biết, những năm trước đây khi dư luận phản ánh tình trạng nhiều khu đô thị biến mất diện tích cây xanh, Sở Xây dựng đã rà soát lại và xác định diện tích này vẫn đảm bảo, "nhưng vì quyền lợi nên nhà đầu tư tập trung vào xây dựng công trình nhà ở trước, chưa làm công viên cây xanh".
Theo ông Diệm, đô thị của Đà Nẵng hai mặt giáp biển, sông Hàn chảy qua thành phố, ba mặt được bao bọc bán đảo Sơn Trà, rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Hải Vân nên thành phố vẫn còn đó những "lá phổi xanh".
"Nhưng không thể lấy rừng Sơn Trà hay Bà Nà để cộng vào diện tích cây xanh đô thị", ông Diệm nói.
Đề cập đến việc Đà Nẵng đang điều chỉnh quy hoạch chung, ông Diệm cho rằng, trên lý thuyết bản vẽ thì có thể khắc phục được tiêu chuẩn cây xanh đô thị. Nhưng trên thực tế quỹ đất cho công viên, cây xanh ở thành phố không còn nhiều. "Đà Nẵng đang cần đến 100 ha đất trồng cây ở đô thị mới đáp ứng được tiêu chuẩn cho hơn 1,1 triệu dân. Làm được điều này hay không phụ thuộc vào quyết tâm của chính quyền thành phố", ông Diệm nhận định.