Giữa tháng 6, gia đình chị Vân Anh, Hà Nội, gồm 5 người, có chuyến nghỉ hè tại Đà Nẵng. Nhiều năm qua, do thích Đà Nẵng có sông, núi, biển, đồ ăn ngon và tiện đi lại nên hầu như nhà chị năm nào cũng tới đây. Tuy nhiên năm nay, chị lại có những chia sẻ khác. Theo chị khi trẻ con lớn hơn, các trải nghiệm cần khác đi thì du lịch Đà Nẵng chưa đáp ứng được.
"Ngoài tắm biển, đi ăn và lên Bà Nà, tôi nhận ra Đà Nẵng có rất ít dịch vụ dành cho khách du lịch, đặc biệt vào buổi tối. Đi ăn xong là về, không còn hoạt động gì nữa. Vào Đà Nẵng mà đi xem phim thì 'hơi kỳ'", chị Vân Anh cho hay.
"Nhà tôi đi nghỉ hè thì có một đêm ngủ lại Hội An kết hợp xem show diễn 'Ký ức Hội An'. Một đêm ở Đà Nẵng thì đi xem cầu Rồng phun lửa, mà cũng đã xem mấy lần rồi. Đến tầm 21h30 đường phố Đà Nẵng đã bắt đầu vắng. Chợ đêm thì nghèo nàn. Quán bar nhạc ồn ào không hợp", chị Thu Hương, một du khách vừa nghỉ hè ở Đà Nẵng, nói.
Trong hội thảo "Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống" vừa được tổ chức hôm 27/6, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho hay: "Các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm ở Đà Nẵng về đêm còn ít. Đặc biệt, thành phố không có các show diễn nghệ thuật nào xứng tầm để du khách tới xem vào buổi tối". Ông Dũng kể có du khách phàn nàn về việc 22h đang ngồi ăn đã được nhân viên nhắc nhở đến giờ đóng cửa.
"Đà Nẵng cần có những trải nghiệm hàng đầu để hút khách du lịch bằng việc phát triển kinh tế đêm để gia tăng sức hút, sức chi tiêu của khách du lịch, tương xứng với tiềm năng. Và muốn là điểm đến hàng đầu, nhất định phải phát triển du lịch toàn diện từ biển, núi, sông nước, giải trí. Đà Nẵng vốn nổi tiếng có Bà Nà, có cầu Vàng. Vài năm qua cầu Vàng vẫn 'hot' nhưng vài năm tới, nếu vẫn chỉ có chừng đó thứ, người ta có muốn lên Bà Nà nữa không, có đến Đà Nẵng nữa không", chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nêu ý kiến.
Đến Đà Nẵng là một thói quen của nhiều người cho các chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, đây không phải là nơi cho những người yêu thích hoạt động bởi ngoài việc thiếu các trải nghiệm về đêm, ghi nhận thực tế cho thấy, Đà Nẵng tuy là thành phố du lịch biển nổi tiếng nhưng ít các dịch vụ vui chơi giải trí trên biển, điều mà Nha Trang và Phú Quốc đang làm rất tốt. Dù lượn, các trò chơi như mô tô nước, lặn, lướt sóng, lướt ván, flyboard (đứng nước)... chỉ phát triển manh mún.
Ông Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch - nhận xét: "Đà Nẵng đang phục hồi du lịch nội địa rất tốt do có sẵn cơ sở vật chất, hệ thống khách sạn lớn với nhiều thương hiệu nổi tiếng. Đà Nẵng cũng có nhiều cơ hội phát triển nhưng để thu hút được thêm khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế như Thái Lan hay Singapore đang làm thì Đà Nẵng vẫn kém bởi thiếu nhiều các sản phẩm thu hút du khách".
Trong thời gian khoảng năm 2016 đến 2018, Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa quốc tế tổ chức suốt hai tháng vào các cuối tuần nhưng đã dừng và hiện chưa trở lại. Đây cũng là một dấu ấn mà Đà Nẵng làm được những năm trước dịch để tạo sự khác biệt với các địa phương. "Lễ hội pháo hoa nếu muốn thành thương hiệu thì cần có cơ sở hạ tầng riêng từ khán đài, sân khấu, đến các khu dịch vụ phụ trợ... có như thế mới thu hút", ông Trần Đình Thiên nói thêm.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, dịch vụ và chất lượng dịch vụ du lịch đang được cấp quản lý quan tâm, chỉ đạo các doanh nghiệp hoàn thiện và bổ sung để có thể thu hút thêm du khách thời gian tới, giúp thành phố tự tin hiện diện trên bản đồ thế giới là điểm đến của du lịch và sự kiện như thời gian qua.
Đà Nẵng đang là một trong những địa phương phục hồi du lịch nội địa tốt nhất cả nước. Kể từ cuối quý 1, nhiều khu, điểm du lịch đón lượng khách lớn, công suất buồng phòng bình quân dịp cuối tuần đạt 70-75%. Doanh thu du lịch 6 tháng tăng 41% so với cùng kỳ. Riêng doanh thu dịch vụ lưu trú quý 2 tăng 2,8 lần cùng kỳ.
Kể từ khi mở cửa du lịch tới cuối tháng 6, Đà Nẵng đã đón 286 chuyến bay quốc tế với 35.000 lượt khách. Chỉ tính riêng ngày 24/6, Đà Nẵng đón 120 chuyến bay nội địa và quốc tế, vượt mốc cao nhất năm 2019 khi chưa có Covid-19.
Tâm Anh