Báo cáo tại buổi làm việc với Chủ tịch nước Nguyên Xuân Phúc chiều 19/10, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch TP Đà Nẵng, cho biết trận mưa từ 6h ngày 14/10 đến 3h ngày 15/10 với lượng mưa lớn nhất 780 mm xảy ra đúng lúc triều cường đã làm 52/56 xã, phường thuộc 7 quận, huyện bị ngập.
Toàn thành phố ghi nhận 6 người chết, gần 70.000 nhà dân bị ngập, nhiều nhất là quận Liên Chiểu 27.320, Hòa Vang 16.040, hai quận Hải Châu và Thanh Khê mỗi nơi hơn 12.000, Cẩm Lệ gần 5.400 nhà... Số nhà ngập gấp nhiều lần so với thống kê ngày 15/10, hơn 3.900 nhà.
Một căn nhà ở xã Hòa Nhơn sụp hoàn toàn do sạt hồ Hố Dư; 28 nhà sập một phần; hơn 74 ha hoa màu ngập úng, 60.000 gia súc, gia cầm bị trôi. 2.630 trạm biến áp gặp sự cố khiến gần 208.000 khách hàng bị mất điện, chiếm 59% khách hàng tại Đà Nẵng.
Thiệt hại tài sản trong dân rất lớn với hơn 2.000 ôtô, trên 30.000 xe máy bị ngập nước. Đa số hộ dân bị hư hỏng các thiết bị dân dụng như tivi, tủ lạnh, máy quạt, bàn ghế, giường, tủ... Nhiều doanh nghiệp hỏng máy móc sản xuất, hàng hóa, nguyên liệu sản xuất, kinh doanh.
14 trường học trên địa bàn bị ngập, làm hư hỏng sổ sách, thiết bị điện tử và dụng cụ dạy học, trong đó 4.000 bộ sách giáo khoa của học sinh bị lũ nhấn chìm. Ngoài ra, nhiều tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng. Khoảng 610 ngôi mộ ở nghĩa trang Hòa Sơn lớn nhất thành phố bị đất đá vùi lấp.
Ông Chinh cho biết, thiệt hại sơ bộ ban đầu đến chiều 18/10 là 1.480 tỷ đồng. Trong đó, Liên Chiểu hơn 570 tỷ đồng, Hòa Vang 250 tỷ, Cẩm Lệ 180 tỷ, Hải Châu 130 tỷ, Thanh Khê 87 tỷ. Riêng lĩnh vực giao thông thiệt hại hơn 190 tỷ đồng; xây dựng 17 tỷ đồng; y tế gần 11 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân thiệt hại nặng, ông Lê Trung Chinh nói hệ thống cống đảm bảo khả năng thoát nước khoảng 30-50 mm/giờ tùy theo từng vị trí và ảnh hưởng của triều cường. Với trận mưa như ngày 14/10 thì hệ thống thoát nước của thành phố không thể đáp ứng.
Việc dự báo lượng mưa chưa cụ thể hóa được mức độ ngập để người dân dễ hình dung ứng phó. "Lâu nay thành phố ít xảy ra sự cố ngập lụt đô thị diện rộng nên có tâm lý chủ quan của một bộ phận cán bộ cũng như nhân dân, không nghĩ có trận mưa lớn như thế. Việc dọn dẹp, xử lý tình huống còn chậm, dẫn đến một số thiệt hại", ông Chinh nói.
Ngoài ra, ông Chinh đánh giá người dân có kinh nghiệm phòng chống bão, nhưng chống lũ chưa nhiều. Hệ thống thông tin liên lạc bị gián đoạn khi điện mất, sóng điện thoại chập chờn. Thành phố sẽ đánh giá lại để đưa ra biện pháp phù hợp. Nội dung phòng chống thiên tai, đặc biệt là ngập lụt đô thị sẽ được lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; rà soát phương án chống ngập ở trung tâm, ven sông.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá việc thống kê thiệt hại của các quận huyện, trường học sau bão lũ còn chậm, kéo theo hỗ trợ cho người dân chưa kịp thời. Nếu Trung ương nắm được thông tin nhanh hơn sẽ bố trí kinh phí hỗ trợ ngay cho người dân. Việc khắc phục hậu quả cần nhanh chóng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Đà Nẵng trải qua trận mưa lũ lớn nhưng đã hạn chế tối đa thiệt hại về người. Về lâu dài, thành phố cần nâng cao chất lượng quy hoạch, đầu tư bài bản hệ thống thoát nước, làm tốt khâu dự báo và ứng phó các tình huống khẩn cấp.
Đến 11h ngày 19/10, các cấp, ngành thành phố đã hỗ trợ người dân bị thiệt hại gần 2,2 tỷ đồng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó thủ tướng Lê Văn Thành tặng 50 căn nhà cho người thiệt hại sau bão Sơn Ca. Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ 4.000 bộ sách giáo khoa; Hội Chữ thập đỏ hỗ trợ gần 10 tỷ đồng cho 10.000 hộ dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi.