Tại kỳ họp 7 đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi chính sách thí điểm đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Một trong những chính sách nổi bật được đề xuất thực hiện là mô hình khu thương mại tự do.
Đại biểu Trần Chí Cường (Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) trả lời VnExpress về nội dung này.
- Tại sao Đà Nẵng lại đề xuất xây dựng khu thương mại tự do, thưa ông?
- Đà Nẵng quy mô không lớn, diện tích không nhiều, nhưng lại có những lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng. Thành phố nằm trong số rất ít địa phương có cả cảng biển quốc tế và cảng hàng không quốc tế. Cảng biển của Đà Nẵng đều có vai trò trọng điểm trong khu vực miền Trung.
Nhiều tuyến đường quan trọng của quốc gia đi qua Đà Nẵng giúp thành phố có ưu điểm vượt trội về kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch, không chỉ trong nước mà ở cả khu vực Đông Nam Á. Đà Nẵng cũng có thế mạnh trong sản xuất, phát triển công nghệ cao; điểm du lịch lý tưởng, thu hút khách du lịch hàng đầu của cả nước.
Thành phố cũng đã có kinh nghiệm trong xây dựng một số mô hình tương đồng với khu thương mại tự do như khu chế xuất, kinh tế, công nghiệp, khu công nghệ cao. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố nghiên cứu các chính sách mới, chuyên biệt hơn, nâng cao hơn cho khu thương mại tự do, tránh yếu tố bất lợi có thể xảy ra.
- Đà Nẵng dự kiến phát triển khu thương mại tự do như thế nào?
- Thành phố dự kiến phát triển mô hình này theo ba phân khu gồm sản xuất, logistic và khu phi thuế quan.
Khu phi thuế quan có thể sẽ hình thành các cửa hàng outlet, là nơi bán những hàng hóa của thương hiệu nổi tiếng với giá thành rất cạnh tranh do được ưu đãi về thuế. Những cửa hàng này rất phù hợp với nhu cầu mua sắm của khách du lịch, người nước ngoài đến Việt Nam và cả người dân trong nước.
Bên cạnh đó, khu thương mại tự do cũng dự định thí điểm cơ chế một cửa cho tất cả thủ tục hải quan, thuế, môi trường, đất đai. Nhà đầu tư đến với khu thương mại tự do Đà Nẵng chỉ phải đi đến một cơ quan duy nhất để làm thủ tục. Tất cả thủ tục nằm trong một đầu mối chung. Đây là cơ chế đột phá để cải cách thủ tục hành chính.
- Khi thay mặt Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết về chính sách đặc thù này, TP Đà Nẵng cho biết sẽ tập trung vào các ngành công nghệ cao như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Đâu là lý do để thành phố lựa chọn lĩnh vực này?
- Ý tưởng này xuất phát từ việc nắm bắt xu hướng chuyển dịch công nghệ. Việt Nam có nhiều tiềm năng, đặc biệt là đất hiếm. Đà Nẵng cũng có nền tảng là nguồn nhân lực khoa học tại Đại học Bách khoa, Đại học Việt - Hàn. Thành phố cũng có sẵn khu công nghệ cao, phù hợp để chuyên gia, nhà khoa học về làm việc.
Chúng tôi xác định Đà Nẵng không có dư địa để phát triển công nghiệp nặng nên bắt buộc phải chuyển dịch theo hướng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao. Trong đó, chip bán dẫn và trí tuệ nhân tạo sẽ là chìa khóa.
Tuy nhiên, phát triển ngành công nghệ cao không phải đơn giản. Để thu hút được nhà đầu tư chuyển công nghệ, dây chuyền sản xuất vào Việt Nam, chúng tôi phải có cơ chế thực sự ưu đãi. Ví dụ như Đài Loan khi chào mời doanh nghiệp về chip bán dẫn, họ sẵn sàng chi trả 50% lương chuyên gia; hỗ trợ 5% chi phí chuyển đổi cơ sở vật chất, hạ tầng cho nhà đầu tư.
Việt Nam chưa có được chính sách riêng cho lĩnh vực này. Vì vậy, mục tiêu của cơ chế đặc thù lần này là có cơ chế cho ngành công nghiệp bán dẫn, AI. Điểm ưu việt là ưu đãi không dành riêng cho doanh nghiệp nước ngoài mà cả doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt học hỏi được kinh nghiệm, ứng dụng kỹ thuật, phát triển tiệm cận với trình độ thế giới.
- Tại Quốc hội, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nói thành phố chấp nhận rủi ro để xây khu thương mại tự do. Theo ông, rủi ro ở đây là gì?
- Thực ra khu thương mại tự do không phải mô hình mới, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc đã thực hiện và thành công. Họ nghiên cứu cơ chế riêng để tạo sức hút, cạnh tranh rất lớn trong đầu tư, mở rộng thương mại, dịch vụ và nhiều lĩnh vực khác. Đặc biệt, khu thương mại tự do cũng được ví như nơi thử nghiệm chính sách để có cơ sở thực thi ở phạm vi cả nước.
Đề xuất xây dựng khu thương mại tự do thể hiện ý chí, quyết tâm của thành phố Đà Nẵng nhưng cũng là trọng trách nặng nề với trung ương và người dân. Chúng tôi chưa có hệ thống văn bản pháp lý quy định về mô hình này. Thành phố tiên phong, mở đường, nên có những khó khăn mà chúng tôi chưa lường được hết.
Xây dựng một hành lang pháp lý, cơ chế chính sách hoàn toàn mới để áp dụng mô hình này trong thực tế là nhiệm vụ rất khó. Thành phố cũng phải tìm cách tận dụng hết ưu việt của mô hình này phục vụ cho phát triển chung, quy hoạch chung và phù hợp với tổng thể.
Nếu mô hình thành công thì đây là cơ sở để lan tỏa ra cả nước, để địa phương khác làm theo. Nếu thành công một phần, thì cũng là kinh nghiệm quý giá để người làm chính sách hoàn thiện các quy định.
Thậm chí trong điều kiện mô hình này chưa phù hợp với Đà Nẵng thì đây cũng là một bài kiểm chứng quý giá để đánh giá tính hiệu quả, khả thi nếu xây dựng tại các địa phương có trình độ phát triển kinh tế xã hội tương đồng như Hải Phòng, Cần Thơ, TP HCM hay Hà Nội.
Hơn một năm qua, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, thu thập ý kiến tất cả bộ ngành và nhiều địa phương. Chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành cũng làm việc ngày đêm để thành phố có cơ sở trình Chính phủ chính sách đặc thù mới.
Nếu Quốc hội thông qua nghị quyết, công việc của Đà Nẵng sẽ nhiều hơn, vất vả hơn nhưng phải quyết tâm cao hơn. Đây là trách nhiệm không của riêng TP Đà Nẵng mà với cả vùng Bắc Trung Bộ, vùng động lực kinh tế miền Trung và cả nước.