Chỉ trong ba ngày, nhịp sống của hơn 1,1 triệu cư dân Đà Nẵng chuyển hướng theo các chỉ thị chống dịch từ thành phố đến Trung ương, với mức độ cao dần. Từ 0h ngày 28/7, Đà Nẵng cách ly xã hội (theo chỉ thị 16) sáu quận nội thành, giãn cách một huyện ngoại thành; và 13 tiếng sau cách ly toàn thành phố.
Sáng đầu tiên thực hiện lệnh tái cách ly, các cửa hàng lớn trên tuyến phố trung tâm Lê Duẩn, Hoàng Hoa Thám, Hùng Vương của quận Thanh Khê đồng loạt đóng cửa. Nhiều hàng quán giải khát thu dọn bàn ghế, chuyển sang bán mang về.
Quán cà phê đầu đường Tô Ngọc Vân đã nghỉ bán từ tối 27/7. Bốn nhân viên được về nhà, chờ hai tuần sau quay trở lại. Thay vì bày ghế chuẩn bị đón khách, anh Nguyễn Ngọc Tấn bày một chiếc bàn, để ly nhựa, thùng đá, treo biển "bán mang đi". Chỉ tiêu thụ được bốn cốc trong buổi sáng, "bằng một phần mười trước khi dịch tái phát", ông chủ 33 tuổi vẫn thấy mình may mắn so với các hộ kinh doanh khác, khi không mất tiền thuê mặt bằng.
Nơi khách ngồi uống cà phê giờ được trải chiếu, làm chỗ chơi của 5 đứa trẻ. Ghế ngồi xếp thành một dãy "barie", ngăn lũ trẻ bước ra khỏi nhà. Anh Tấn nói đó là cách bảo vệ lũ trẻ trước nỗi lo lây nhiễm nCoV cộng đồng, khi thành phố chưa truy xuất được F0. "Nhưng chuyện gì đến sẽ đến, cứ bình tĩnh mà sống chung với dịch thôi", anh nói.
Quán nhậu của vợ chồng anh Trần Viết Lanh ở bên cạnh là hàng bia duy nhất nằm trên "con phố cà phê" Tô Ngọc Vân. Anh Lanh kéo cửa sắt đóng kín cửa hàng, chị Phượng vợ anh bê nồi chảo, bát đũa vào trong nhà. Giờ này mọi hôm, tiếng dao thớt vang lạch cạch trong bếp, vợ chồng chị đang chuẩn bị đồ nhậu đón khách buổi chiều. Hai ngày liên tiếp, chị Phượng buôn bán cầm chừng, thấp thỏm chờ lệnh của thành phố. Cho đến chiều qua có chỉ thị cách ly sáu quận nội thành, cặp vợ chồng đóng cửa, nghỉ bán vì "thành phố bảo sao mình làm vậy".
Từ 6h sáng, tổ công tác tám người, gồm công an, cán bộ ủy ban và trật tự của phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê đã ra đường, phát loa vận động người dân đóng hàng quán. Song một số chủ quán không chấp hành, phản ứng với lời lẽ nặng nề khi bị nhắc nhở. Nhiều thanh niên tập trung bên hồ ngồi nói chuyện, uống cà phê không đeo khẩu trang, công an giải tán hai lần mới chịu ra về.
"Buổi sáng đầu tiên, phường ra quân với tinh thần nhắc nhở để bà con tự giác thực hiện nghiêm chỉ thị. Chính quyền sẽ áp dụng xử phạt với những trường hợp cố tình chống đối từ ngày mai", ông Nguyễn Minh Trí, Chủ tịch phường Vĩnh Trung thông tin.
Phường trung tâm của quận Thanh Khê có nhiều trục đường chính, khu vực giao thương buôn bán. Ông Trí nói 37 cán bộ phường quản lý hơn 20.000 dân cư "là thách thức lớn", mong "nhân dân hợp tác vì cuộc chiến chống dịch chung của toàn thành phố".
Ven biển, các bãi tắm nổi tiếng như Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng... vắng khách. Lực lượng chức năng phát loa, đặt bảng thông báo ven đường, các khu vực bãi gửi xe, khu tắm nước ngọt. Bảo vệ và cứu hộ túc trực giám sát, nhắc nhở người dân.
Trái với cảnh đông đúc trên đường phố, ga tàu, bến xe gần như ngưng hoạt động. Ga Đà Nẵng trưa 28/7 chỉ còn bảo vệ và ba nhân viên trực giải quyết thủ tục trả vé cho khách. Sau chỉ thị dừng đưa, đón khách tại Đà Nẵng đêm qua, hơn 800 vé bán ra được Chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng hỗ trợ hoàn trả. Nhiều hành khách "trở tay không kịp", có người chưa biết tin tàu ngừng đón khách, vẫn chạy ra ga hỏi vé.
Trưa nắng, My, 24 tuổi mướt mải mồ hôi đến nơi nhận tiền hoàn trả vé chặng Đà Nẵng - Phú Yên. Cô ra Đà Nẵng thăm chị gái ngày 24/7. Chỉ một ngày sau hay tin thành phố xác nhận "ca bệnh 416", My đặt vé rời Đà Nẵng sáng 28/7. Chiều qua gọi điện hỏi thông tin, nhân viên nhà ga vẫn xác nhận các chuyến tàu hoạt động bình thường. Nhưng buổi tối, lệnh phương tiện giao thông dừng đưa, đón khách từ Đà Nẵng khiến cô không kịp trở tay. My chấp nhận ở lại nửa tháng trong tâm dịch.
Đoàn tàu SE3 khởi hành từ Hà Nội đỗ tại sân ga Đà Nẵng lúc 11h30 (đoàn tàu này khởi hành trước khi có lệnh cách ly xã hội). Chỉ vài ba khách xuống tàu. Trên các khoang, nhiều người ló đầu quan sát, có người ra ngoài cửa toa hút thuốc nhưng không dám bước xuống mua đồ. Nhà ga liên tục phát đi thông báo về kế hoạch dừng đón khách phòng ngừa Covid-19 lây lan.
Sau 20 phút dừng tại ga, đoàn tàu lăn bánh tiếp về phương Nam. Trong ngày, 12 chuyến tàu Bắc Nam khi qua ga Đà Nẵng sẽ trả khách xuống và không đón khách lên. Từ ngày mai, các chuyến tàu Bắc Nam xuất phát từ ga Hà Nội sau 0h ngày 28/7 sẽ chạy thẳng, không dừng tại ga Đà Nẵng.
Trong trụ sở UBND phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, bộ phận một cửa vẫn hoạt động như thường lệ. Cửa sổ, cửa chính mở rộng, bật quạt, tắt điều hòa. Người dân đến làm thủ tục bắt buộc đeo khẩu trang và dùng nước sát khuẩn.
Hơn 10h, ông Nguyễn Ngọc Hơn, 66 tuổi đến UBND phường Vĩnh Trung, làm giấy tờ xe cho khách. Người đàn ông 66 tuổi làm chủ một tiệm kinh doanh xe máy cũ bên phường Thạc Gián, chọn sang Vĩnh Trung làm làm thủ tục cho gần. Tiệm đã đóng cửa từ sáng, nhưng xe đã bán cho khách mấy ngày trước vẫn phải đăng ký giấy tờ. Nghỉ kinh doanh, ông vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, điện nước mỗi tháng gần trăm triệu đồng.
Trước đó một ngày, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã yêu cầu các phường, quận tiếp tục giải quyết thủ tục hành chính trong thời gian cách ly xã hội. Việc xử lý hồ sơ phải nhanh gọn, không để đình trệ và nghiêm cấm hành vi lợi dụng dịch để gây khó khăn hoặc không tiếp nhận, giải quyết, trả hồ sơ. Thành phố khuyến khích tổ chức, người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được mở tại địa chỉ dichvucong.danang.gov.vn, gửi và nhận hồ sơ qua bưu chính.
Từ 13h chiều 28/7, Hòa Vang, huyện ngoại thành phía tây Đà Nẵng với 130.000 cư dân chủ yếu làm nông, khai thác thủy hải sản, chuyển từ trạng thái giãn cách theo chỉ thị 19 sang cách ly xã hội theo chỉ thị 16. Toàn thành phố "nội bất xuất".
Chị Nguyễn Thị Nhung (38 tuổi, trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) ở cách trung tâm thành phố 15 km, những ngày qua đã hạn chế ra đường. Trưa nay, khi nghe chính quyền thông báo sẽ áp dụng cách ly xã hội với nơi mình ở, chị nhắc con gái Phạm Kiều Oanh, học sinh lớp 7, nghỉ học thêm. Con trai 20 tuổi đang ở TP HCM dự đám cưới người thân, được nhắn ở lại, chưa vội về nhà.
Vợ chồng chị quyết định đóng cửa tiệm sửa xe trên quốc lộ 1A. "Mọi người thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, mình cũng chấp hành", Nhung nói và nhắc chồng, con gái thường xuyên mang khẩu trang. Chiều nay, chị sẽ đi chợ mua thêm đồ ăn, ghé tiệm thuốc mua nước sát khuẩn.
Nhung biết, các ca bệnh Covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng sau ba tháng, khiến nhiều người lo lắng. Nhưng "hoang mang cũng không ích gì. Thay vào đó, cần nhắc nhở nhau để tránh tiếp xúc, phòng ngừa dịch bệnh".
Bộ Y tế sáng 28/7 không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, 66 người đang điều trị trong đó 61 người dương tính.
Như vậy, bốn ngày qua ghi nhận 15 ca nhiễm nCoV cộng đồng. Riêng Đà Nẵng ghi nhận 14 ca trong đó có 4 nhân viên y tế của Bệnh viện Đà Nẵng. Quảng Ngãi một ca là người từng đến chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng.
Hoàng Phương - Nguyễn Đông - Gia Chính