5h sáng nay, nước lũ ở hầu khắp 6 quận và huyện Hòa Vang đã cơ bản rút hết. Nhiều người đi sơ tán đã quay trở lại nhà. Nhà dân, công sở dọn dẹp rác thải để trở về nhịp sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên, đến 13h trời lại đổ mưa lớn. Sau khoảng 90 phút, toàn bộ khu vực hồ điều tiết Hàm Nghi (quận Thanh Khê) bị ngập, nặng nhất là đường Hàm Nghi, Tản Đà, Văn Cao nước dâng cao hơn 0,5 m.
Ban quản lý chung cư cao cấp Hoàng Anh Gia Lai thuê máy bơm nước để cứu hơn 10 ôtô bị chìm từ hôm qua, gặp mưa lớn nên đành dừng lại. Hàng chục nhân viên dùng bao cát và bạt phủ lại lối lên xuống để phòng nước tràn vào.
Ông Lê Diên Thiện (50 tuổi), chủ tiệm sửa xe máy trên đường Hàm Nghi, cho biết kể từ đợt lụt năm 1999, đến nay mới lại chứng kiến các tuyến phố chìm trong nước tới gần mét như thế. Trưa nay, mực nước ở hồ Hàm Nghi đã rút xuống cách mép hồ khoảng 1,5 m, nhưng chỉ hơn một giờ sau đã tràn.
"Những năm trước có ngập nhưng nước rút ngay, không như lần này", ông Thiện nói. Quán sửa xe của ông phải liên tiếp nhận xe máy vào sửa chữa vì hư hỏng do mưa ngập. Thợ phải ngồi làm việc khi nước tràn vào ngay dưới chân. Nhiều ôtô tiếp tục bị chết máy, phải thuê xe cứu hộ.
Ở kiệt 640 đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), anh Trường tranh thủ lúc nước rút để dọn dẹp lại phòng trọ sau một ngày ngâm trong nước sâu hơn một mét, nhưng đến chiều nay nước mưa bất ngờ tràn vào. "Lần này nước vào ít hơn và có dấu hiệu rút nhanh hơn", anh nói.
Hiện tại các hồ thủy lợi của Đà Nẵng đa số đã qua tràn. Ông Huỳnh Vạn Thắng - nguyên Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, nhìn nhận qua kết quả quan trắc thì lượng mưa ngày ở Đà Nẵng đã lập kỷ lục mới. Không chỉ vượt 42 mm so với lượng mưa ngày 3/11/1999 mà còn là cao nhất tính từ năm 1975, khi có số liệu quan trắc.
Mưa quá lớn là nguyên nhân gây lụt. Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng hạ tầng đô thị của thành phố trong quá trình phát triển đã thiếu đồng bộ. Quy hoạch đang chạy theo các công trình. Trước đây, thành phố có nhiều hồ trong khu dân cư, nhờ đó nước thoát nhanh hơn. Còn hiện nhiều hồ đã bị lấp để làm đô thị.
"Có một thực tế nữa là nhiều người dân ý thức chưa tốt. Mưa lớn, mọi người mặc áo mưa ra đường, đi lội nước rồi sau đó vứt bỏ lại áo mưa ngay ở nơi đang ngập, gây bít thêm cửa thu, đường cống và nước càng ứ đọng lâu hơn", ông Thắng nói.
Theo dõi tình hình tái ngập chiều nay, ông Thắng nhận định nước sẽ rút nhanh hơn, nhờ "lượng mưa lớn hôm qua đã giúp đẩy thải trong các cống thoát nước ra ngoài, tăng khả năng thoát nước". "Rác thải theo nước sẽ chảy ra biển, rồi dạt vào bờ. Mưa quá lớn nên đành chấp nhận và công nhân môi trường cần sớm thu gom", ông Thắng nói.
Chuyên gia này cho rằng, đợt mưa lớn gây ngập úng lần này là một "cơ hội" để Đà Nẵng tính toán lại cách làm hạ tầng bài bản hơn. "TP HCM bây giờ đã không thể gỡ được câu chuyện ngập úng rồi, còn Đà Nẵng đang nhỏ và đang phát triển thì nên hết sức chú ý", ông nói.
Đêm 8/12 và ngày 9/12, không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao gây mưa rất to cho Đà Nẵng, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng, nhiều đường phố biến thành sông, mức ngập từ 0,3 đến 0,7 m. Lượng mưa lớn kỷ lục, tới 635 mm trong 24 giờ.
Dự báo, mưa ở miền Trung sẽ kéo dài đến ngày 12/12, trong đó khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định mưa rất to. Lũ sông dâng cao, có thể đạt báo động 3, nguy cơ ngập lụt vùng trũng, sạt lở đất ở miền núi rất cao.