Mục tiêu của dự án là tạo dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực hàng không đạt chuẩn quốc tế cung ứng cho Đà Nẵng, khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Trường sẽ đào tạo một số chuyên ngành như: Thành viên tổ lái, giáo viên huấn luyện bay; tiếp viên hàng không; nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay; nhân viên không lưu; nhân viên thông tin, dẫn đường; nhân viên an ninh hàng không.
Thêm vào đó, trường cũng đào tạo và huấn luyện nhân viên thông báo tin tức hàng không; nhân viên khí tượng hàng không; nhân viên điều độ khai thác bay; nhân viên điều khiển, vận hành thiết bị hàng không, phương tiện tại khu vực hạn chế của cảng hàng không.
Tại Diễn đàn Đà Nẵng - Điểm đến tiềm năng châu Á (trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển đường bay châu Á 2022, diễn ra ngày 6-8/6), ông Phạm Trường Sơn, Giám đốc Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, đã đề xuất dự án này đến các nhà đầu tư.
Ông Sơn cho biết, tổng mức đầu tư khái toán cho dự án này tối thiểu 100 triệu USD, thực hiện trong các năm 2023-2026. Tổng diện tích đất cho dự án là 20 ha, thành phố thuận lợi khi đang có khu đào tạo, nghiên cứu - phát triển trong khu công nghệ cao với quỹ đất 100 ha.
Theo ông Sơn, thời điểm trước dịch Covid-19 đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án. Thậm chí có nhà đầu tư mời đại diện thành phố sang Mỹ để tham quan mô hình trường đào tạo hàng không. Sau dịch, nhu cầu về phi công giảm và hiện chưa có nhà đầu tư quan tâm.
Hiện một số chuyên gia góp ý nếu mở trường đào tạo phi công thì Đà Nẵng cần liên kết với các sân bay ở miền Trung, như Chu Lai của Quảng Nam, để tận dụng giờ rảnh của các sân bay này cho học viên thực hành bay, vì hiện tại sân bay quốc tế Đà Nẵng đã kín lịch bay.
"Chúng tôi sẽ làm việc thêm với ngành hàng không Việt Nam để tiếp tục hoàn thiện dự án và kêu gọi đầu tư", ông Sơn nói.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng kêu gọi đầu tư vào dự án Trung tâm Bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, với mức đầu tư tối thiểu 50 triệu USD, diện tích đất 3-5 ha, vị trí nghiên cứu quy hoạch khu vực lân cận sân bay Đà Nẵng. Thời gian thực hiện dự án mong muốn 2023-2026.
Đà Nẵng được biết đến là thành phố du lịch, với khu vực dịch vụ đang chiếm khoảng 67% quy mô kinh tế. Cùng việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp với tham vọng nâng tỷ trọng ngành trong cơ cấu kinh tế đạt 27%, ngành công nghiệp hàng không được thành phố xác định là một trong những lĩnh vực trọng điểm ưu tiên phát triển, thu hút đầu tư.
Với vị trí trung tâm trong mạng lưới các cảng hàng không, đến năm 2030 cảng hàng không Đà Nẵng sẽ đáp ứng nhu cầu cho 30 triệu hành khách, với việc nâng cấp nhà ga hàng hóa và hành khách cùng nhiều dự án khác được triển khai. Đây được coi là tiềm năng để thành phố tham gia đào tạo nguồn nhân lực và bảo dưỡng thiết bị liên quan đến ngành hàng không.