Tại buổi tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sáng 30/6, cử tri Nguyễn Trí Tổng (quận Hải Châu) đặt hàng loạt câu hỏi về vụ án 20 quan chức thành phố có sai phạm liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm").
Ông Tổng nêu vấn đề, thành phố Đà Nẵng được giao thu hồi tài sản vụ án như dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước, Phú Gia Compound... Trong khi đó, nhiều người dân đã mua và sở hữu hợp pháp một số công trình trong các dự án này. Ngoài ra, chủ đầu tư đã bỏ ra hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng dự án, "vậy ngân sách đâu để Đà Nẵng bỏ ra thu hồi?".
Bí thư Thành uỷ Trương Quang Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, nói toà đã phán quyết thì thành phố phải thu hồi, nhưng "đang rất vướng và lúng túng" ở dự án Đa Phước. Từ phán quyết của tòa, hiện nay "suốt ngày thành phố phải tiếp công dân đã mua đất tại Đa Phước".
Theo ông Nghĩa, dự án đã bán (cho người dân) rồi nên tòa giao cho thành phố thu hồi là rất khó thực thi. Tới đây còn một số dự án khác, nếu kết luận thanh tra tương tự như vụ Đa Phước thì rất khó cho Đà Nẵng.
Ông Nghĩa nhìn nhận, từ quyết định sai, nóng vội của những lãnh đạo trước đây đã để lại hậu quả mà có khi hàng chục năm không thể giải quyết xong. Nhưng dù sai lầm ở nhiệm kỳ nào thì "nhiệm kỳ hiện tại luôn xác định đây là trách nhiệm của mình", vì càng để lâu càng khó tháo gỡ.
Về dự án sân vận động Chi Lăng, ông Trương Quang Nghĩa cho hay vừa qua Đà Nẵng đã gửi kiến nghị lên cấp trên, tuy nhiên, việc lấy lại khu đất vị trí 4 mặt tiền giữa trung tâm quận Hải Châu này không dễ, vì toà đã ra phán quyết và "giằng co" quyền lợi giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo ông Nghĩa, thành phố có những căn cứ cho việc "chuộc" lại dự án này như nguyện vọng của đông đảo người dân. Đó là thành phố giao đất cho doanh nghiệp 10 năm qua, nhưng đến nay họ chưa xong giải phóng mặt bằng và chưa có quy hoạch.
"Chưa có quy hoạch thì lấy đâu ra cơ sở để doanh nghiệp có 14 sổ đỏ mang đi thế chấp ngân hàng. Do đó cần làm rõ sổ đỏ này có hợp pháp không? Và nếu không có quy hoạch thì làm sao mang ra đấu giá, đấu thầu như kết luận của tòa được", ông Nghĩa nói.
Hướng giải quyết được đưa ra là Đà Nẵng sẽ đề nghị doanh nghiệp trả lại sân Chi Lăng, với thoả thuận hoàn lại tiền và trả lãi suất ngân hàng. "Trong giai đoạn này chúng tôi đang cố gắng đề nghị làm sao thành phố lấy lại được sân Chi Lăng. Nó như một địa chỉ mà người Đà Nẵng đã khắc sâu từ lâu rồi", ông Nghĩa nói thêm.
Dự án Đa Phước gồm 29 ha ở khu vực lấn biển giáp ranh giữa quận Hải Châu và Thanh Khê. Hiện nay, ngoài nhiều diện tích mặt nước chưa hoàn tất san lấp, chủ đầu tư đã xây dựng nhà liền kề thương mại, chung cư cao tầng kết hợp thương mại – dịch vụ và 189 lô đất biệt thự, diện tích 16.600 m2 đã được chuyển nhượng cho gần 200 khách hàng.
Tháng 2/2020, tại bản án sơ thẩm, TAND Hà Nội giao UBND Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho công dân tại khu đất 29 ha thuộc dự án khu đô thị mới Quốc tế Đa Phước...
Về sân vận động Chi Lăng, năm 2010, UBND TP Đà Nẵng dưới thời cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đã giao cho tập đoàn Thiên Thanh để làm dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ. Chính quyền hoàn tất thủ tục chuyển nhượng gần 6 ha đất một năm sau đó, thu về ngân sách khoảng 1.400 tỷ đồng. Giá đất được tính là 24,3 triệu đồng/m2. Tháng 7/2014, ông Phạm Công Danh bị bắt vì nhiều tội. Sân vận động này trở thành tài sản liên quan vụ đại án.