Chiều 6/11, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức hội thảo quốc tế về Dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay quốc tế Đà Nẵng.
1,2 triệu giờ làm việc
Ông Anthony Kolb - Trưởng nhóm xử lý môi trường của USAID, cho biết dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng là chất độc do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1961-1971. Năm 1997, Chính phủ Mỹ đã quyết định ngân sách ban đầu cho việc xử lý dioxin tại đây.
Khởi công vào tháng 8/2012, dự án bắt đầu bằng việc xây dựng mố, lắp hệ thống xử lý nhiệt, vận chuyển đất vào nung theo phương pháp khử hấp thu nhiệt tại chỗ. Các lớp đất được phủ kín bê tông khi nung và vận chuyển ra ngoài khi đã làm nguội, đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đến nay, dự án đã xử lý triệt để 94.600 m3 đất/bùn nhiễm dioxin (từ nồng độ trên 1200ppt giảm xuống thấp hơn 150ppt); đưa vào quản lý lâu dài 68.000 m3 đất nhiễm dioxin có nồng độ dưới 1.000ppt tại khu phía tây nam sân bay.
Tổng cộng 32,4 ha đất được làm sạch, phục vụ xây dựng mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng. "Xử lý dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng là dự án lớn nhất đến thời điểm này mà chúng tôi đã thực hiện", ông Anthony nói.
"Các công nhân đã có hơn 1,2 triệu giờ làm việc không có chấn thương và thất thoát thời gian", ông Anthony nói và đánh giá "dự án đã hoàn thành an toàn đối với nhân công và cộng đồng".
Đại tá Phạm Quang Vũ - Trưởng phòng Khoa học quân sự (Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân), cho biết dự án đã giảm tới mức thấp nhất nguy cơ phơi nhiễm dioxin với con người và môi trường, đồng thời "xoá tên sân bay quốc tế Đà Nẵng ra khỏi danh sách điểm nóng về ô nhiễm dioxin".
"Càng đào càng thấy ô nhiễm"
Đại tá Vũ đánh giá đây là dự án xử lý môi trường phức tạp, công nghệ lần đầu tiên được áp dụng quy mô lớn, các tính toán ban đầu dựa trên cơ sở thiết kế 30%, và không có tính đến khối lượng dự phòng, dẫn đến quá trình triển khai phải điều chỉnh cho phù hợp.
"Ban đầu do chưa đánh giá đầy đủ mức độ ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng nên khối lượng bùn, đất nhiễm loại chất độc này cần xử lý đã tăng từ 72.900m3 theo dự toán lên khoảng 162.500m3", đại tá Vũ thông tin.
Đại diện USAID cho biết, giai đoạn đầu của dự án, các chuyên gia chỉ lấy mẫu bề mặt bùn, đất ở sân bay và đưa ra giả định độ sâu dioxin thấm xuống để tính toán khối lượng. Nhưng khi bắt tay vào đào, xúc thì có nơi chất độc thấm xuống đến 3m, dẫn đến khối lượng tăng gấp hơn hai lần.
Dự án được đánh giá là đảm bảo an toàn, không có sự cố đáng tiếc về môi trường và con người, tuy nhiên một số sự cố phát sinh trong quá trình vận hành mố giải hấp nhiệt. Công việc phải dừng để khắc phục khiến kéo dài thời gian xử lý, phát sinh thêm chi phí.
Ngoài ra, một số sự cố môi trường xảy ra như vượt ngưỡng khí thải, nước thải hệ thống xử lý; vượt ngưỡng dioxin trong không khí mặt mố; hiện tượng sương mù lan toả khu vực đường lăn; đào xúc và vận hành mố trong mùa mưa nên mặt mố bị nứt, thất thoát nhiệt lớn...
"Quá trình giám sát dự án, cả phía nhà thầu Việt Nam và Mỹ đã kịp thời phát hiện sự cố, ngay lập tức có phương án khắc phục", đại diện USAID nói.
Dự án mang dấu ấn lịch sử
Ông Christopher Abrams - Giám đốc cơ quan môi trường và xã hội của USAID đánh giá, dự án xử lý môi trường ô nhiễm tại sân bay quốc tế Đà Nẵng "mang dấu ấn lịch sử trong khuôn khổ hợp tác ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ". "Chúng ta sẽ cùng nhau xử lý dioxin tốt hơn tại sân bay Biên Hoà, Đồng Nai", ông nói.
Thiếu tướng Bùi Anh Chung - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, Trưởng ban quản lý dự án cho biết công nghệ xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng được áp dụng lần đầu tiên trên thế giới nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Do nắm bắt khối lượng chưa chắc chắn dẫn đến việc phải điều chỉnh dự án và kéo dài thêm từ năm 2016 đến nay.
"Xử lý thành công đất nhiễm dioxin tạo nên môi trường trong sạch với người dân. Chúng tôi đã bàn giao 29 ha đất cho ngành hàng không xây dựng nhà ga quốc tế và kịp đi vào hoạt động từ giữa năm 2017, góp phần cho sự thành công của Tuần lễ cấp cao APEC", ông Chung đánh giá.
Theo tướng Chung, kinh nghiệm lớn nhất rút ra từ dự án lần này là phải dự phòng khối lượng sát thực tế để tiếp tục triển khai dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà - trọng điểm ô nhiễm dioxin ở Việt Nam. "Dự kiến ở Biên Hoà sẽ phải xử lý 500.000 m3 đất, với diện tích 50 ha nhiễm dioxin. Nếu càng đào càng thấy ô nhiễm như ở Đà Nẵng thì sẽ rất khó khăn với chúng tôi", ông nói.
Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng được Bộ Quốc phòng Việt Nam phê duyệt ngày 1/4/2011. Bộ Tư lệnh Quân Phòng không Không quân được giao làm chủ đầu tư, phối hợp cùng USAID thực hiện. Tổng mức đầu tư dự án là 106 triệu USD vốn ODA không hoàn lại và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của phía Việt Nam.