Ngày 11/10, UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội thảo đánh giá thực trạng tổ chức, hoạt động của chính quyền các cấp và đề xuất đổi mới theo mô hình chính quyền đô thị. Sở Nội vụ đã trình bày hai phương án đổi mới.
Phương án thứ nhất, sẽ chỉ tổ chức HĐND ở cấp thành phố, không tổ chức HĐND nhân dân cấp quận (huyện) và phường (xã). Đà Nẵng đã từng có kinh nghiệm thí điểm mô hình này trong giai đoạn 2009-2016 và đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
Phương án thứ hai là tổ chức HĐND ở cấp thành phố và quận (huyện); không tổ chức HĐND cấp phường, xã. Đây là mô hình thí điểm đã được Bộ Chính trị cho phép thành phố Hà Nội thực hiện.
![Công chức Đà Nẵng làm việc tại khu vực 1 cửa của Trung tâm hành chính thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/10/11/1-4267-1570801270.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=DdTfV4NPzJgXaPmDCasWaQ)
Công chức Đà Nẵng làm việc tại khu vực 1 cửa của Trung tâm hành chính thành phố. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, với phương án 1 sẽ bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND, UBND, Chủ tịch thành phố và UBND, Chủ tịch UBND quận, huyện đối với các nhiệm vụ, quyền hạn đang thực hiện theo Luật tổ chức chính quyền địa phương. Phương án này đòi hỏi thành phố phải "gánh" thêm nhiều công việc mà hiện nay HĐND quận, huyện và phường, xã đang thực hiện.
Còn với phương án 2, sẽ bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn cho UBND, Chủ tịch UBND quận, huyện và UBND, Chủ tịch UBND phường đối với các nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND phường đang thực hiện.
"Khi thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, thì cần thiết phải đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động. Ngoài việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền thì cần khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không rõ trách nhiệm trong quản lý, điều hành hành chính", ông Đồng nói.
![Ông Đặng Công Ngữ đóng góp ý kiến. Ảnh: Nguyễn Đông.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/10/11/2-6228-1570801270.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t3LpiKNBch0EY43dGDdC6Q)
Ông Đặng Công Ngữ đóng góp ý kiến. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Đặng Công Ngữ, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, ủng hộ phương án 1 với lý do, Đà Nẵng từng thực hiện trong 7 năm liền và không riêng Đà Nẵng mà 10 tỉnh, thành khác trên cả nước đã có kiến nghị Trung ương cho tổ chức thí điểm chính quyền đô thị.
Ông Ngữ đề xuất, khi thành phố tổ chức chính quyền đô thị cần chuyên môn hoá đội ngũ cán bộ, công chức cấp phường theo hướng không duy trì cán bộ chuyên trách bởi "chuyên trách không được nhận thêm lương mà còn khiến công việc chính được giao chậm trễ", thay vào đó nên có cán bộ chuyên môn rõ rệt. "Xây dựng chính quyền đô thị thì mục tiêu đạt được phải là mô hình có tính tự chủ cao, thông suốt, hiệu quả và không còn cơ chế xin - cho", ông Ngữ nói.
Cũng tán đồng phương án 1 mà Sở Nội vụ Đà Nẵng đưa ra nhưng tiến sĩ Nguyễn Huyền Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước (Bộ Nội vụ) khuyến cáo khi bỏ HĐND cấp quận, huyện và xã, phường cần xác định rõ và cụ thể những nhiệm vụ, tránh lẫn lộn với các nhiệm vụ của chính quyền đô thị với nông thôn.
Thêm vào đó, tiến sĩ Hạnh cũng nêu ý kiến nên áp dụng chế định Thị trưởng (thủ trưởng hành chính) thay cho chế định Ủy ban (điều hành tập thể) trong quản lý hành chính ở các đô thị để khắc phục những nhược điểm của chế định điều hành tập thể, dẫn đến thiếu sự thống nhất và không rõ trách nhiệm của người đứng đầu, dễ phát sinh tiêu cực.
"Về nguyên tắc, mỗi đô thị dù lớn hay nhỏ chỉ nên có một cơ quan HĐND ở cấp toàn đô thị, có vai trò quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội. Còn tại các đơn vị hành chính nội bộ đô thị (quận, phường) chỉ có các cơ quan hành chính nhà nước để thực thi các nhiệm vụ cụ thể và cung ứng dịch vụ công", bà Hạnh nói.
Ông Lê Trung Chinh - Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho biết chuẩn bị cho quá trình thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị, thành phố đang đăng ký làm việc với các bộ, ngành Trung ương để xin định hướng triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, trong đó có định hướng xây dựng mô hình Chính quyền đô thị.
Tháng 7 vừa qua, Đà Nẵng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đề cương của Đề án đã được thông qua và thành phố sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến của chuyên gia để nghiên cứu, soạn thảo làm tiền đề cơ sở lý luận, thực tiễn cho dự thảo tổng thể Đề án.