Ngày 24/9, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, cho biết đến nay thành phố đã triển khai tổng cộng 10 chính sách hỗ trợ người dân, như hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày cho người trong vùng cách ly y tế (trước thời điểm ngày 15/8); miễn 100% học phí cho học sinh các cấp; miễn tiền thuê mặt bằng tại các chợ truyền thống cho hơn 19.700 tiểu thương...
Trong 20 ngày người dân không ra khỏi nhà (từ 16/8 đến ngày 5/9), ngoài rau, củ, quả, mỗi hộ dân đều được nhận ít nhất 500.000 đồng (nhu yếu phẩm hoặc tiền mặt). Bao gồm 301.000 hộ dân của Đà Nẵng và 161.000 hộ dân thuê nhà, phòng trọ (người lao động, sinh viên).
"Nhờ nguồn lực tích lũy từ các giai đoạn trước nên, thành phố có nguồn dự phòng ngân sách để chống dịch và triển khai các gói an sinh xã hội, chưa phải xin ngân sách từ Trung ương", ông Triết nói, cho biết đến nay địa phương đã chi 2.500 tỷ đồng chống dịch Covid-19 (bao gồm 790 tỷ đồng cho các gói an sinh nêu trên).
Trong khi các gói an sinh của thành phố triển khai nhanh, việc hỗ lao động tự do, hộ kinh doanh cá thể theo Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) lại chậm tiến độ.
Chị Lê Thị Oanh (29 tuổi, quê Thanh Hoá, thuê trọ tại Kiệt 115/5 đường Tôn Đản, quận Cẩm Lệ), cho biết là giáo viên mầm non một trường tư thục ở quận Thanh Khê, không giao kết hợp đồng. Khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội (từ 4/5), nhà trường tạm dừng hoạt động, chị thất nghiệp. Chồng làm nghề lái máy san lấp mặt bằng cũng mất việc.
"Hai vợ chồng có làm đơn xin nhận tiền hỗ trợ nhưng tổ trưởng thông báo do mới chỉ đăng ký tạm trú, chưa làm sổ tạm trú dài hạn (KT3), nên chưa được nhận tiền", chị nói.
Hơn 4 tháng qua, hai vợ chồng chị Oanh và con gái 2 tuổi sống trong căn nhà trọ chật hẹp, tiền thuê 2 triệu đồng/tháng. "Chúng tôi phải lấy tiền tích góp từ năm trước ra chi tiêu để đảm bảo cuộc sống, đến nay cũng dần cạn", chị Oanh nói và cho biết thời gian qua được thành phố hỗ trợ nhu yếu phẩm trong thời gian cách ly xã hội nên cũng giảm bớt phần nào gánh nặng cuộc sống.
Còn chị Đào Thị Duyên (48 tuổi, quê Hưng Yên), đưa gia đình vào Đà Nẵng làm nghề buôn bán trái cây dọc đường, bốn tháng qua không ra khỏi phòng trọ ở phường Hoà An, quận Cẩm Lệ, cho biết đa "không biết đăng ký như thế nào để được nhận gói hỗ trợ". "Chúng tôi mong được tổ trưởng hướng dẫn cụ thể hơn", chị nói.
Giải đáp vấn đề trên, ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết việc chi trả còn chậm do thống kê chưa đầy đủ, thành phố cách ly xã hội nên chưa kịp hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục. Thống kê đến nay có hơn 33.000 hộ kinh doanh cá thể. Theo quy định cứ tạm dừng hoạt động 15 ngày là được hỗ trợ 3 triệu đồng, nhưng trên thực tế mới chỉ chi trả được hơn 2.000 người do giãn cách kéo dài, do đó còn hơn 30.000 hộ chưa nhận tiền
"Thành phố gia hạn đến 31/10 và hỗ trợ cả các hộ không kê khai thuế với mức thu nhập 100 triệu đồng/năm. Riêng gói hỗ trợ này là gần 100 tỷ đồng và sẽ sớm giải ngân", ông Triết nói.
Thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục rà soát các hộ dân gặp khó khăn và dự kiến hỗ trợ cho 65.000 lao động tự do, thợ nề, công nhân xây dựng, lái xe ôm, taxi, grab, giáo viên trường mầm non không có hợp đồng lao động, ngư dân, với số tiền khoảng 103 tỷ đồng. "Tổng cộng các gói an sinh trên địa bàn là gần 1.000 tỷ đồng", ông Triết nói thêm.
Ngoài ra, thành phố đang tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI như đơn giản hóa thủ tục hành chính; miễn giảm, giãn thuế; miễn giảm tiền thuê đất...
Theo thông kê của chính quyền Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch bệnh trong hơn một năm qua, trên 540 doanh nghiệp giải thể; gần 2.297 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, hơn 26.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng, hơn 22.000 người phải tạm hoãn việc làm.