Ngày 4/9, Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng cho biết đã hướng dẫn các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc thành phố và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn cấp giấy đi đường trực tuyến; thời gian áp dụng từ 8h ngày 5/9.
Có hai địa chỉ đăng ký giấy đi đường, gồm web giaydiduong.danang.gov.vn và tải ứng dụng eTicket-DaNang trên điện thoại thông minh. Người đăng ký thành công được cấp mã QR Code để in ra giấy (lưu lại một bản ở cơ quan, đơn vị). Công an sẽ lập các chốt kiểm soát cứng, tuần tra lưu động.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, cho biết ứng dụng cho phép thực hiện các bước đăng ký, phê duyệt, cấp giấy đi đường QR Code và nhận giấy đều trực tuyến. Thành phố dựa trên dữ liệu để kiểm tra, xử lý các hành vi đăng ký, cấp và sử dụng không đúng giấy đi đường.
Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực được phép hoạt động mới có quyền đăng ký người tham gia giao thông, đến nơi làm việc và trở về nhà; số lượng khống chế từ 30 đến 50%; nếu đáp ứng 3 tại chỗ thì một số lĩnh vực được tối đa 70% lao động.
Người đăng ký phải cung cấp đầy đủ thông tin, chính xác trên ứng dụng. Giấy đi đường chỉ có giá trị tham gia giao thông theo nguyên tắc "một cung đường hai điểm đến", không được sử dụng vào mục đích khác, nhất là đi chợ, siêu thị...
Để thuận lợi cho việc giám sát, Đà Nẵng yêu cầu người đăng ký giấy đi đường phải cung cấp thông tin biển số xe dùng để đi lại thường xuyên; chi tiết mục đích đi lại và thông tin về nơi cư trú. Người đang ở vùng đỏ không được cấp giấy đi đường.
Trường hợp người đăng ký được cấp giấy đi đường vì thuộc vùng xanh, nhưng sau đó khu vực nơi ở chuyển sang màu đỏ thì giấy đi đường lập tức bị huỷ trên hệ thống ứng dụng. Người đã về vùng đỏ thì không được di chuyển ra bên ngoài. Dữ liệu vùng đỏ, vùng xanh cập nhật tại covidmaps.danang.gov.vn và bit.ly/vungdovangxanh.
Đối với doanh nghiệp thay ca hoặc thay đổi nhân viên, giấy đi đường đã cấp trước đó phải được thu hồi và cập nhật danh sách nhân viên mới. Người được cấp giấy đi đường không cho mượn, photo hay giao cho người khác sử dụng; nếu vi phạm sẽ bị thu hồi giấy và xử phạt theo quy định.
Người dân muốn ra đường trong các trường hợp cấp bách, cần thiết (đến ngân hàng, mua tạp hóa...) thì đề nghị UBND xã, phường cấp giấy; nếu được đồng ý, giấy đi đường phải ghi thời gian đi, về, tổng số giờ tham gia giao thông, lộ trình, điểm đến, mục đích đi lại...
UBND phường, xã sẽ cấp giấy đi đường (trực tuyến hoặc trực tiếp nếu người dân không có điện thoại thông minh hay máy tính đế đăng ký) cho chủ cửa hàng tạp hóa; các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và dịch vụ kỹ thuật, sửa chữa điện, nước dân sinh; các nhà hàng, quán ăn (trong vùng xanh); dịch vụ hợp tác xã nông nghiệp; tang lễ...
Ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông, nói việc áp dụng cấp giấy đi đường trực tuyến sẽ tránh được tình trạng người dân tập trung đông người đến các công ty, cơ quan, công sở.
"Ứng dụng cấp giấy đi đường đã tích hợp hết dữ liệu về các cơ quan, doanh nghiệp, số lượng được phép hoạt động trong thời gian thành phố cách ly xã hội và cập nhật vùng đỏ, vùng vàng, vùng xanh nên sẽ kiểm soát được việc đăng ký ngay từ đầu, tránh tình trạng cấp sai giấy đi đường", ông Thạch nói.
Đà Nẵng áp dụng "ở yên trong nhà" với hơn 1,1 triệu dân từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 5/9. Sau thời gian này, thành phố chuyển về trạng thái cách ly xã hội "cao hơn Chỉ thị 16", với giải pháp cho từng vùng xanh, vàng đỏ để chống dịch, do ca dương tính mới vẫn đang ở mức cao (trong ngày 3/9 là 81 ca, có 6 ca cộng đồng).
Từ ngày 4/5 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.477 ca mắc Covid-19, riêng tính từ 10/7 là 4.227 ca. Hiện còn 2.050 người đang điều trị.