Chị Oanh cho biết kinh nguyệt không đều, hai tháng có một lần nên rất khó canh trứng. Năm 2016, bác sĩ chẩn đoán buồng trứng của chị đa nang, rất khó có con tự nhiên, phải thụ tinh ống nghiệm.
Sau hai lần thụ tinh, tốn hơn 200 triệu đồng, chị Oanh vẫn không có thai. Chị quyết định ngừng hai năm để ổn định kinh tế, vực dậy tâm lý.
Năm 2021, chị đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra, bác sĩ Phan Chí Thành, Khoa Khám bệnh, cho biết bệnh nhân bị buồng trứng đa nang, khi kích trứng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như quá kích buồng trứng, chất lượng noãn kém... Chị thuốc điều kinh để có thai tự nhiên song không thành công. Tiếp đó, người bệnh can thiệp thụ tinh nhân tạo (IUI), bơm tinh trùng vào buồng tử cung, vẫn thất bại. Đánh cược lần cuối, chị làm thụ tinh IVF.
"Bệnh nhân có rất nhiều phôi, chi phí trữ phôi vô cùng tốn kém, có thể lên đến cả trăm triệu đồng, lại tuổi cao, có bệnh lý nên cơ hội mang thai rất mong manh", bác sĩ Thành nói.
Cũng bị buồng trứng đa nang, chị Thu 28 tuổi, loay hoay tìm cách điều trị. Chị kể thời con gái kinh nguyệt không đều, có khi ba tháng, khi 6 tháng, khám, siêu âm nhưng không phát hiện bất thường. Sau khi kết hôn, chị bổ sung nhiều loại vitamin, thuốc bổ, tiêm vaccine đủ mũi, sẵn sàng làm mẹ nhưng mỏi mòn trông chờ vẫn không có kết quả. "Tôi không tin khi mình biết bị đa nang vì sức khỏe và sinh hoạt hoàn toàn bình thường", chị chia sẻ.
Theo bác sĩ Thành, đây là hai trong rất nhiều chị em mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) ông điều trị. Nhiều gia đình "vái tứ phương" tìm đủ mọi hình thức chữa trị như thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc..., "ai mách đâu đi nấy" vừa tốn công sức, vừa mất tiền nhưng vẫn không đậu thai.
Buồng trứng đa nang (PCOS) là một dạng rối loạn nội tiết thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng.
Theo bác sĩ Thành, 20% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản có dấu hiệu buồng trứng đa nang. Trong đó, 40% phụ nữ được chẩn đoán bệnh và bị vô sinh. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính hơn 116 triệu phụ nữ toàn cầu mắc bệnh này.
Nguyên nhân gây buồng trứng đa nang hiện chưa xác định rõ ràng, nhưng việc nồng độ nội tiết tố nam cao hơn bình thường là yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, thừa cân và tiền sử gia đình có người mắc bệnh (liên quan đến kháng insulin) cũng là một nguyên nhân.
Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng này là chu kỳ kinh nguyệt không đều. Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra một phụ nữ có ít hơn 8 chu kỳ kinh nguyệt trong một năm và kéo dài trong nhiều năm thì nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang lên đến 80%.
"Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt đều đặn cũng không đồng nghĩa với quá trình rụng trứng diễn ra bình thường, đặc biệt là ở phụ nữ có các triệu chứng cường androgen", bác sĩ nói và thêm rằng đây là một dấu hiệu cảnh báo.
Một số triệu chứng khác như mọc mụn trứng cá, lông tóc phát triển quá mức, tăng cân, mất cân bằng nội tiết tố.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị triệt để buồng trứng đa nang. Bác sĩ khuyến cáo chị em ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ cải thiện sức khỏe, ưu tiên rau xanh cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ như su hào, xà lách, bắp cải xanh, rau bina, rau diếp cá, súp lơ... Bổ sung hoa quả ít ngọt như mâm xôi, việt quất, bưởi, đu đủ, dưa, táo, lê. Hạn chế ăn xoài, nho và chuối. Các loại thịt, cá là nguồn cung cấp protein, vitamin, axit béo.
Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có các triệu chứng như rụng tóc, giọng nói trầm, mọc mụn, rậm lông trên nhiều vùng cơ thể, rối loạn kinh... nên đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác. Trường hợp mắc buồng trứng đa nang, bác sĩ sẽ tư vấn kế hoạch giảm cân và chế độ ăn lành mạnh. Vợ chồng quan hệ đều đặn, không sử dụng bất cứ biện pháp nào nhưng hơn 12 tháng vẫn chưa mang thai cũng cần đi khám. Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm những triệu chứng bất thường.
Như chị Thu, bác sĩ kê đơn thuốc, bổ sung dinh dưỡng và tư vấn giảm cân. May mắn, chị mang thai tự nhiên, dự sinh cuối tháng 1/2023. Chị Oanh cũng may mắn có thai ngay trong lần chuyển phôi đầu tiên, sinh ra bé trai khỏe mạnh. Cuối tháng 8/2022, chị tiếp tục IVF để "có anh, có em". Lần này, chị thuận lợi có thai, là tam thai, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bác sĩ tư vấn giảm thai nhưng chị từ chối. Chị dự định nhập viện từ tuần thai 20 để theo dõi, hy vọng ba bé chào đời khỏe mạnh.
"Khi hiếm muộn, bạn mới hiểu khao khát có con lớn thế nào nên tôi muốn cố gắng bảo vệ con đến cùng", chị Oanh nói.
Minh An
*Tên nhân vật được thay đổi